Vận hành hiệu quả hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc

Thứ 4, 05.06.2024 | 14:50:48
472 lượt xem

Giao thông thông minh (ITS) là hệ thống phục vụ hoạt động quản lý, vận hành các công trình hạ tầng giao thông, được thiết kế nhằm cho phép giám sát, phát hiện và xử lý các sự cố một cách nhanh chóng, tối ưu hóa hiệu suất khai thác, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiện lợi và thân thiện với môi trường.

Tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo được lắp đặt hệ thống ITS tích hợp hiện đại.

Nhờ vào hệ thống lưu trữ - phân tích dữ liệu, giám sát và điều khiển liên động các thiết bị, các sự cố có thể được nhận diện nguy cơ từ sớm, phát hiện và kích hoạt biện pháp xử lý kịp thời với kịch bản nhất quán, rút ngắn thời gian và giảm thiểu nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông.

ITS tích hợp hiện đại trên tuyến Cam Lâm-Vĩnh Hảo

ITS được coi là một bộ phận của công trình đường cao tốc, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa người tham gia giao thông, phương tiện và kết cấu hạ tầng công trình. Là đơn vị tiên phong ứng dụng hệ thống ITS trong quản lý, vận hành các công trình hạ tầng giao thông trong nước, Tập đoàn Đèo Cả không ngừng nâng cấp hiệu quả ứng dụng ITS thông qua đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại, cập nhật và làm chủ công nghệ.

Tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo là công trình đầu tiên trên trục đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) sở hữu hệ thống ITS hiện đại, được Liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu hoàn thành ITS đồng bộ cùng phần tuyến và đưa vào hoạt động đồng bộ ngay khi bắt đầu được vận hành khai thác. ITS tại công trình này được tích hợp cả phần đường và hầm, với các cụm thiết bị ITS vận hành bằng năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ pin điện mặt trời và tua-bin gió, được giám sát từ xa, có thể xử lý sự cố thiết bị kịp thời qua hệ thống truyền dẫn nội bộ.

Vận hành hiệu quả hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc ảnh 1

Một đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo.

Được tích hợp đồng bộ ITS trên toàn tuyến, tại đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, dữ liệu hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí được kết nối đồng bộ về Trung tâm giám sát thu phí, bảo đảm thu phí đầy đủ và minh bạch hơn. Theo đại diện Liên danh nhà đầu tư, việc triển khai lắp đặt ITS sau khi tuyến đã vận hành đặt ra vấn đề phải điều tiết giao thông, tiềm ẩn nguy hiểm và phát sinh thêm nhiều chi phí, do đó, nhà đầu tư đã chủ động đầu tư đồng bộ hệ thống ITS và ETC cùng với công trình.

“Hệ thống ITS trên tuyến đường này đã được nâng cấp tính năng so với các thế hệ ITS trước đây, đem lại hiệu quả vượt trội trong quản lý và điều hành giao thông. Các công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hơn nữa khả năng quản lý và vận hành giao thông”, đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết thêm.

Trên tuyến, hệ thống ITS được đầu tư bao gồm nhiều hợp phần như hệ thống điện, chiếu sáng, quạt thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera giám sát và phát hiện sự cố, biển báo giao thông điện tử và đèn tín hiệu, hệ thống loa phóng thanh, radio/bộ đàm, và hệ thống thu phí ETC liên tuyến với đầu vào mở... Trong đó, hệ thống camera trên tuyến được trang bị camera giám sát và camera tích hợp hệ thống phát hiện phương tiện (VDS). Các loại camera này dùng công nghệ xử lý ảnh AI chuyên dụng tiên tiến bậc nhất, ngoài ra còn được hỗ trợ bởi các thiết bị ngoại vi như hồng ngoại, radar...

Vận hành hiệu quả hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc ảnh 3

Hình ảnh phương tiện lưu thông sẽ được thu thập, tổng hợp thông qua camera lắp đặt dọc tuyến và được truyền theo thời gian thực về Trung tâm điều hành thông minh.

Các camera PTZ có thể xoay 360 độ, quan sát toàn tuyến không có điểm mù; camera VDS được tích hợp AI có các chức năng như phân loại phương tiện, nhận diện biển kiểm soát, phát hiện và cảnh báo sự cố như xe đi quá tốc độ, luồng xe tắc nghẽn, xe dừng, đi sai làn, ngược chiều, vật rơi trên đường,… Hình ảnh phương tiện lưu thông sẽ được thu thập, tổng hợp thông qua camera lắp đặt dọc tuyến và được truyền theo thời gian thực về Trung tâm điều hành thông minh, đồng thời tích hợp tính năng sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quá trình giám sát, theo dõi, vận hành và ra quyết định khi có các tình huống giao thông phát sinh.

Bên trong hầm, ITS được liên kết với hệ thống cơ điện (phòng cháy chữa cháy, quạt jet, chiếu sáng, các sensor quan trắc…) đóng vai trò đặc biệt trong tình huống cần xử lý các sự cố nghiêm trọng như có sự cố cháy nổ.

Tăng năng lực vận hành ITS

Tập đoàn Đèo Cả đã có kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành hệ thống ITS gần 10 năm, kể từ khi Trung tâm vận hành hầm Đèo Cả được đầu tư xây dựng để “đón đầu” vận hành hầm Đèo Cả, Cổ Mã. Với việc đầu tư đồng bộ hệ thống ITS-ME ngay từ ban đầu hơn 10 năm trước, hiện Tập đoàn Đèo Cả đang lưu trữ và quản lý hệ thống dữ liệu các hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và mới đây nhất là Cam Lâm-Vĩnh Hảo thông qua thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu giao thông tại các trung tâm dữ liệu ITS-ME. Như vậy, Đèo Cả là đơn vị có năng lực vượt trội về ITS khi triển khai lắp đặt cho toàn bộ các hầm đường bộ có trang bị ITS.

Trước đó, hơn 100 nhân sự của Đèo Cả đã được tham gia đào tạo, huấn luyện, học tập kinh nghiệm quản lý, vận hành và cứu nạn, cứu hộ từ các nước Phần Lan, Nhật Bản trước khi đầu quân cho việc quản lý các công trình này. Đến dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 4/2024 vừa qua, doanh nghiệp này đã củng cố lực lượng nhân sự có trình độ chuyên môn tốt và dày dạn kinh nghiệm vận hành ITS trên thực tế.

Vận hành hiệu quả hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc ảnh 5

Tập đoàn Đèo Cả đang lưu trữ và quản lý hệ thống dữ liệu các hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và mới đây nhất là Cam Lâm-Vĩnh Hảo thông qua thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu giao thông tại các trung tâm dữ liệu ITS-ME.

Ông Dương Châu Sâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực công nghệ Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh: “Là đơn vị tiên phong trong công nghệ ITS, Đèo Cả có đầy đủ thế mạnh về nguồn nhân lực, kinh nghiệm thi công và quản lý vận hành, triển khai các dự án ITS. Bộ phận chuyên môn của tập đoàn là Ban Công nghệ với các nhân sự gồm các kỹ sư, chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm được đào tạo có tính kế thừa, thực hiện bài bản việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, thiết kế, làm chủ công nghệ và thi công trực tiếp”.

Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả xác định, môi trường “thực chiến” tại các dự án quy mô lớn là “thao trường” để đào tạo tập huấn, nâng cao trình độ, kinh nghiệm cho nhân lực. Các thế hệ nhân sự có kinh nghiệm quản lý, vận hành trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm thực tế cho các thế hệ kế tiếp. Tập đoàn cũng phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, hợp tác với các đơn vị để đào tạo vận hành các công trình hầm đường bộ, đường cao tốc,… cho người lao động trong hệ thống và các đối tác ngành giao thông.

Vận hành hiệu quả hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc ảnh 6

Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với các đơn vị để đào tạo vận hành các công trình hầm đường bộ, đường cao tốc,… cho người lao động trong hệ thống và các đối tác ngành giao thông.

Phó Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Viết Huy cho biết, hiện nay, trên tuyến cao tốc bắc-nam, ITS mới tiên phong triển khai lắp đặt ở một số dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP) để quản lý, vận hành; các tuyến đường đầu tư công vẫn đang trong quá trình thiết kế để chuẩn bị triển khai. Phần lớn các công trình hầm đường bộ khác trên tuyến cao tốc này mới chỉ đầu tư hệ thống cơ điện mà chưa có hệ thống ITS.

Việc triển khai hệ thống ITS tại dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo không chỉ là bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa hệ thống giao thông của Việt Nam mà còn là hình mẫu cho các dự án tương lai. Với ưu điểm vượt trội, giúp khai thác công trình hiệu quả, bảo đảm an toàn giao thông, minh bạch và hiệu quả trong thu phí, đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị quản lý, vận hành công trình giao thông có sự chủ động, chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ và nguồn lực nhằm đáp ứng vận hành, khai thác hiệu quả các công trình trong thời gian tới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/van-hanh-hieu-qua-he-thong-its-tren-cac-tuyen-cao-toc-post812771.html

  • Từ khóa