Hiện nay, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất, tiền chất ma túy qua biên giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa loại tội phạm này, toàn ngành hải quan đang tăng cường triển khai các kế hoạch trọng tâm, trọng điểm, đưa ra nhiều cảnh báo, hướng dẫn hải quan các địa phương làm tốt công tác kiểm soát.
Tang vật trong Chuyên án triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các nước châu Âu về Việt Nam. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)
Diễn biến ngày càng phức tạp
Theo Tổng cục Hải quan, các băng, nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia đã lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, hoạt động thương mại tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ, biến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới.
Trên tuyến đường bộ, do đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan, tội phạm ma túy thường lợi dụng trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc, miền trung và Tây Nam Bộ.
Việc tổ chức vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đều có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng nội địa và nước ngoài hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Đối tượng phạm tội mang quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài, bao gồm cả đối tượng phạm tội chuyên nghiệp và người phạm tội do hoàn cảnh khó khăn, phải tìm cách mưu sinh, nhất là những người bị lợi dụng vận chuyển thuê nhưng không biết đó là ma túy.
Tuyến hàng không và chuyển phát nhanh chủ yếu tập trung tại các địa bàn thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đây là những địa bàn trọng điểm về các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, cho nên các đối tượng lợi dụng đưa các loại ma túy từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại.
Trong đó, các đối tượng đã sử dụng phương thức ngụy trang, cất giấu ma túy trong túi xách cá nhân, thuốc, thực phẩm chức năng, hộp bánh kẹo, sữa, chè khô, thức ăn cho thú nuôi, trong các gói bột ngũ cốc, mỹ phẩm, sáp thơm, vật dụng gia đình, thậm chí nuốt ma túy trong người…
Từ đó, ma túy được trộn lẫn trong hàng hóa ký gửi, chuyển phát nhanh, hàng thuộc diện quà biếu phi mậu dịch gửi từ các quốc gia thuộc châu Âu như Đức, Ba Lan, Hà Lan, Séc, Pháp, Bỉ..., các quốc gia châu Á như Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…, châu Mỹ (Canada), châu Phi (Ethiopia, Ghana, Senegal) và châu Úc về Việt Nam. Tiếp đó, chúng tìm cách tiêu thụ trong nội địa hoặc trung chuyển đi nước thứ ba như Australia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines… và ngược lại.
Tuyến đường biển cũng được đánh giá là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xuất, nhập lậu ma túy, các loại tiền chất chứa chất gây nghiện, chất hướng thần. Các đối tượng vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động.
Cầm đầu đường dây thường là các đối tượng người nước ngoài câu kết với các đối tượng ở các trung tâm ma túy như Tam giác vàng, Lưỡi liềm vàng, từ đó hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Trong đó, các đối tượng thường thành lập các công ty xuất, nhập khẩu bình phong, thuê các kho hàng tại các tỉnh miền trung, miền nam của Việt Nam để tập kết ma túy. Thủ đoạn thường dùng là cất giấu tinh vi lẫn trong các loại hàng hóa thông thường với bao bì là chữ nước ngoài như: Thái Lan, Trung Quốc… hoặc trộn lẫn, cất giấu, ngụy trang trong các bao tải xi-măng… để vận chuyển đi các nước khác.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Hiện nay, áp lực đấu tranh phòng chống ma túy đối với lực lượng hải quan là rất lớn, do Việt Nam có đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình có đường biên giới chung trải dài với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia - là các quốc gia đồng thời cũng chịu ảnh hưởng lớn của vấn nạn sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy; Việt Nam còn ở vị trí rất gần khu vực sản xuất, buôn bán ma túy lớn của khu vực và thế giới là Tam giác vàng.
Mặt khác, theo Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Phan Quốc Đông, hiện nay các phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, biến đổi khôn lường, nhất là triệt để lợi dụng khoa học-công nghệ để liên hệ, trao đổi, giao dịch và điều phối giao nhận; đồng thời, các đối tượng đều trang bị vũ khí nóng, liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt.
Chúng cũng lợi dụng tối đa các chính sách pháp luật của Việt Nam về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan, miễn thị thực đối với cư dân thuộc khối ASEAN; lợi dụng sự khác biệt trong quy định pháp luật về ma túy của các quốc gia, xu hướng hợp pháp hóa cần sa và một số loại ma túy tại một số nước; lợi dụng kẽ hở, sự hạn chế, kém hiệu quả trong thực hiện biện pháp quản lý nhà nước liên quan pháp luật về bưu chính để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh trong thời gian gần đây.
Trước tình hình nêu trên, cơ quan hải quan nhận thức rõ yêu cầu về việc tiếp tục nỗ lực, chủ động đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu và trực tiếp đấu tranh phòng chống ma túy, kiểm soát tiền chất.
Đồng chí Phan Quốc Đông cho biết, nội dung trọng tâm là đẩy mạnh hiệu quả các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh thông qua việc sử dụng các máy móc, phương tiện kỹ thuật; đồng thời tích cực phối hợp các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển Việt Nam trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, yêu cầu, kế hoạch tăng cường đấu tranh. Hoạt động này phải được thực hiện kịp thời, thống nhất, xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối; bảo đảm các yêu cầu nghiệp vụ, tính bảo mật và hiệu quả đấu tranh; tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan vừa xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông 5 và kế hoạch triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông 6. Đây là hoạt động thể hiện vai trò thành viên tích cực của hải quan Việt Nam trong hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin với hải quan các nước để cập nhật, cung cấp, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về ma túy, tập trung các thông tin nghiệp vụ liên quan đối tượng, phương thức, thủ đoạn, tuyến đường mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.
Được biết, Chiến dịch Con rồng Mê Kông 5 triển khai từ ngày 15/4 đến 16/11/2023, với sự tham gia của 25 cơ quan hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo là 1.715 vụ, tăng 111% so với giai đoạn 4. Trong thời gian tổ chức chiến dịch, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo sát sao toàn ngành quyết tâm triển khai chiến dịch, bảo đảm vai trò của nước đồng sáng kiến và điều hành chiến dịch.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chong-toi-pham-ma-tuy-tren-cac-tuyen-duong-trong-diem-post813321.html