Việt Nam có hơn 14,86 triệu héc-ta rừng, trong đó hơn 2,3 triệu héc-ta là rừng đặc dụng, đóng vai trò thiết yếu bảo vệ đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Những khu rừng này không chỉ cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng mà còn là nguồn tài nguyên quý đối với đời sống của hàng triệu người dân. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều hộ dân sống trong các khu rừng đặc dụng đang đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng. Khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) là một
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên toàn quốc hiện có hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống trong các khu rừng đặc dụng. Những cộng đồng này đã gắn bó với rừng qua nhiều thế hệ, sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào khai thác lâm sản, canh tác nông nghiệp và săn bắt. Tuy nhiên, các hoạt động này không chỉ gây áp lực lên tài nguyên rừng mà còn làm suy giảm chất lượng môi trường sống, dẫn đến những vấn đề như đất đai bị thoái hóa, đa dạng sinh học suy giảm và biến đổi khí hậu.
Người dân ở thôn Phú Yên, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức kê cao đồ đạc, phòng tránh tình trạng ngập lụt. |
Tại khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) hiện có 534 hộ dân sinh sống. Nhiều gia đình đã canh tác nông nghiệp và khai thác lâm sản từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, họ đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, không chỉ đe dọa đến sinh kế mà còn là mối nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của người dân. Bà N.T.N-một người dân ở thôn Phú Yên, xã Hương Sơn, chia sẻ: “Gia đình tôi đã 4 đời sinh sống ở đây, nhưng bây giờ mỗi năm đều bị ngập lụt, có năm nước ngập vào nhà cao đến cả mét. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ tái định cư để thoát khỏi cảnh ngập lụt như hiện nay”.
Trước thực trạng này, việc tìm kiếm giải pháp tái định cư cho người dân đang sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn trở nên cấp bách. Nếu được tái định cư không chỉ giúp người dân thoát khỏi cảnh ngập lụt mà còn là cơ hội để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc di dời người dân không phải là điều đơn giản, bởi các hộ dân đã quen với môi trường sống, việc thay đổi có thể gây ra những khó khăn, tác động trực tiếp đến cuộc sống của họ.
Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định cho bất kỳ chính sách tái định cư nào. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Trang, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành tuyên truyền cho các hộ dân ở đây di dời đến nơi ở mới để bảo đảm cuộc sống. Qua tuyên truyền, hầu hết hộ dân đều đồng tình và mong muốn được di dời đến vị trí an toàn”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều khó khăn trong việc triển khai kế hoạch tái định cư cho người dân. Theo đồng chí Lê Văn Trang, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực tài chính. Để xây dựng khu tái định cư, cần một khoản ngân sách đáng kể từ Chính phủ và các nguồn hỗ trợ khác. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan. Hơn nữa, sự đồng thuận từ cộng đồng không chỉ dừng lại ở việc đồng ý di dời mà còn cần một kế hoạch chi tiết về sinh kế sau tái định cư. Người dân cần được bảo đảm rằng, họ sẽ có việc làm và có thể duy trì cuộc sống tốt hơn. Điều này bao gồm việc hỗ trợ đào tạo nghề, cung cấp các khoản tín dụng nhỏ cho các hoạt động sản xuất và tạo điều kiện cho họ tham gia vào các chuỗi cung ứng bền vững. Để giải quyết bài toán này, cần có các giải pháp đồng bộ và bền vững, tập trung vào việc quy hoạch lại khu vực tái định cư và phát triển sinh kế cho người dân.
Việc tái định cư cho người dân đang sinh sống ở khu vực rừng đặc dụng không chỉ là nhiệm vụ để bảo vệ môi trường mà còn là một cơ hội giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Để thực hiện thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội, cùng với những giải pháp bền vững nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Theo qdnd.vn