Báo cáo Quốc hội về sử dụng tài chính Công đoàn 2 năm/lần

Thứ 5, 24.10.2024 | 15:03:09
421 lượt xem

Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung quy định định kỳ 2 năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Quốc hội việc thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn

Báo cáo Quốc hội về sử dụng tài chính Công đoàn 2 năm/lần- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Hồ Long

Sáng 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02 ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân. Phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.

Về việc gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động là người nước ngoài (Điều 5), UBTVQH cho biết tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định "người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở".

Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam. Do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ Công đoàn.

Về việc gia nhập Công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6) được chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ như: Bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn (Điều 30), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn.

Về quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn (Điều 31), UBTVQH cho biết trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn.

Cùng với đó, rà soát nhiệm vụ chi kinh phí Công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn. Không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí Công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa.

Bổ sung quy định "Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn." Giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí Công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

UBTVQH cho biết đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, ý kiến các cơ quan, một số quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, cụ thể: Quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm về phân biệt đối xử với cán bộ Công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn. Bổ sung, làm rõ hơn các quy định về quyền, trách nhiệm của Công đoàn.

Bổ sung quy định định kỳ 2 năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn…


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/bao-cao-quoc-hoi-ve-su-dung-tai-chinh-cong-doan-2-nam-lan-196241024090251957.htm


  • Từ khóa