Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, sáng 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của Quốc hội giao, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi hoàn toàn và trở lại mức bằng hoặc cao hơn trước đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, cả 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực đều có chuyển biến hết sức rõ rệt.
Dù khó khăn tứ bề nhưng kinh tế tăng trưởng tích cực, giảm nghèo đáng kể
Theo các đại biểu, năm 2024 là năm thứ 5 liên tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, làm cho tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi, nhưng kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều điểm sáng, với những tín hiệu rất tích cực.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đánh giá, trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù rất khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam 9 tháng vừa qua vẫn tăng trưởng 6,82%; ước cả năm 2024 đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Ngành du lịch chính thức quay trở lại mốc ban đầu trước khi có dịch Covid-19; dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 43% so với cùng kỳ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Kinh tế - xã hội của nước ta có nhiều điểm sáng. |
Một điểm sáng tiếp theo được đại biểu Trần Quốc Tuấn chỉ ra là dù khó khăn "tứ bề" nhưng nước ta đã xây dựng, hoàn thành thêm 109km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km và đang quyết liệt triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” trong năm 2025. Đáng phấn khởi nhất là Trung ương đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.… “Đây chính là huyết mạch của nền kinh tế trong tương lai gần”, đại biểu nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo đại biểu, là ấn tượng về giảm nghèo. Trong 9 tháng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 1%, chỉ còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc năm 2024 được Liên hợp quốc đánh giá xếp hạng tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia; đồng thời trong thời gian ngắn, chúng ta đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát - đây là sự cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị. Thành tựu này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng, nhà nước chăm lo chỗ ở cho người dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của nhân dân cả nước.
Doanh nghiệp còn rất khó khăn để tồn tại và gia nhập thị trường
Tuy nhiên, các đại biểu cùng chung nhận định, bối cảnh thế giới và khu vực năm 2025 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, trong khi nước ta có nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế, do đó việc dự báo đúng, chính xác để có những dự liệu, giải pháp thích ứng với biến đổi của tình hình là rất quan trọng.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị cần phải tiếp tục đánh giá, làm rõ các nguyên nhân của những tồn tại để năm 2025 và các năm tiếp theo, nền kinh tế có thể bứt phá lên.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên): Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp có thể gây ra lãng phí. |
Đại biểu Tạ Thị Yên dẫn số liệu của Ủy ban Kinh tế đưa ra cho thấy, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7% - con số này cao hơn mức 79,3% của năm 2023; cùng với ảnh hưởng của siêu bão Yagi có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%. Đại biểu đề nghị đánh giá nghiêm khắc hơn về nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, để có hướng giải quyết.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng, số liệu báo cáo của Chính phủ nêu, 9 tháng năm 2024, có 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so cùng kỳ, nhưng lại có đến 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5% so cùng kỳ. Nếu khấu trừ đi, thì trong 9 tháng qua, chỉ có 19.200 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc quay trở lại sản xuất; như vậy bình quân mỗi tháng, cả nước chỉ có khoảng 2.130 doanh nghiệp thành lập mới. Số liệu này rất thấp, cho thấy doanh nghiệp còn rất khó khăn để tồn tại và gia nhập thị trường.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam): Cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. |
Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cũng đánh giá, số lượng doanh nghiệp gia tăng đều suốt những năm qua, song cũng cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng.
"Qua theo dõi, tôi thấy tổng số doanh nghiệp thì như vậy, nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ bình quân ở mức chưa đến 85% so với tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao", đại biểu phân tích và lưu ý và đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến yếu tố chất lượng chứ không chỉ phát triển về số lượng.
Theo qdnd.vn