"Điểm yếu của giáo dục là kết nối nhà trường và doanh nghiệp"

Thứ 7, 23.11.2024 | 09:25:19
68 lượt xem

"Điểm yếu của giáo dục là kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, làm sao để sinh viên có kỹ năng gắn kết với công việc và có năng lực để hành nghề, để phát triển".

Trên đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại lễ bế giảng chương trình "Thực tập sinh tài năng" mùa 4, được tổ chức chiều 22/11 tại Hà Nội.

Chương trình đã đào tạo hơn 700 sinh viên trong và ngoài nước. Hơn 250 sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này đang làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội.

Năm nay, các lĩnh vực đào tạo từ chương trình cũng tăng lên 3 lần  gồm: Cloud, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu & Trí tuệ nhân tạo, Hàng không vũ trụ, Bán dẫn, IOT, 5G, Công nghệ phần mềm.

Đây đều là những nhóm ngành trọng yếu phục vụ chính phủ triển khai chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điểm yếu của giáo dục là kết nối nhà trường và doanh nghiệp - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: Hà Mỹ).

Tại lễ bế giảng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, điểm yếu của giáo dục là kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, làm sao để sinh viên có kỹ năng gắn kết với công việc và có năng lực để hành nghề, phát triển?

Do đó, việc các doanh nghiệp phối hợp cùng nhà trường đào tạo kỹ năng mềm như trên rất phù hợp với sinh viên bởi ngoài kiến thức cơ bản, các em cần có thêm kỹ năng, sáng tạo sau này. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng mô hình này để thu hút nhiều người giỏi, đồng thời sẽ triển khai nhiều hoạt động chuyên sâu, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).

"Chúng ta lan tỏa tri thức, không chỉ bằng công nghệ mà từ chính con người. Yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia chính là con người, là nhân tài. Bởi suy cho cùng, công nghệ cũng do con người sáng tạo ra.

Công nghệ có thể sẽ lạc hậu nhưng con người là tài nguyên vô tận, không giống như tài nguyên khác.

Do vậy, phát triển con người, phát triển nhân tài - nhất là với mảng công nghệ số, rất quan trọng", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Trước đó, ghi nhận của phóng viên Dân trí tại một số ngày hội việc làm ở một số trường đại học, nhiều doanh nghiệp "chê" sinh viên thừa kiến thức sách vở nhưng thiếu kỹ năng mềm và kỹ năng thực tiễn.

GS.TS David Trần, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Tính toán mạng, Khoa Khoa học máy tính, ĐH Massachusetts tại Boston (Mỹ), cho rằng không hẳn tất cả sinh viên giỏi ra trường đều khó xin việc.

Vấn đề là các em phải biết điều doanh nghiệp cần và mình đang ở vị trí nào để từ đó có sự lựa chọn phù hợp.

GS.TS David Trần đưa ra lời khuyên, ngoài kiến thức sách vở, quan trọng các sinh viên cần kỹ năng làm việc nhóm và có sự hòa hợp với doanh nghiệp.

Chương trình "Thực tập sinh tài năng" phát động từ năm 2021. Năm nay, hơn 3.000 hồ sơ đăng ký, gấp 1,5 lần so với năm 2023.

Riêng năm 2024, chương trình tiếp nhận hơn 300 sinh viên năm 3 và năm 4 có thành tích xuất sắc, trong đó có 240 hồ sơ sở hữu các giải thưởng quốc gia, quốc tế.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/diem-yeu-cua-giao-duc-la-ket-noi-nha-truong-va-doanh-nghiep-20241122204055755.htm

  • Từ khóa