Phân khúc xe gầm cao đô thị tại nước ta ghi nhận sự tăng trưởng về cả số lượng sản phẩm cũng như doanh số của các mẫu xe, đồng thời tạo nên cuộc đua mới giữa các nhà sản xuất.
Danh sách 10 xe bán chạy nhất tháng 8/2023 thì có tới 8 mẫu xe được xếp vào nhóm "gầm cao", 2 chiếc còn lại là sedan. Kết quả này phần nào cho thấy người Việt ngày càng chuộng các mẫu crossover và SUV, đặc biệt là những sản phẩm có kích thước vừa phải để phù hợp đi trong đô thị và giá thành dễ tiếp cận.
Nhóm xe cỡ nhỏ A+/B- hút khách hàng mua xe lần đầu
Đức Hoàng, 30 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, tìm mua chiếc ô tô đầu tiên cho gia đình mình sau khi thu xếp được tài chính tầm 600 triệu đồng. Đứng trước nhiều lựa chọn xe, người đàn ông sắp đón con gái đầu lòng "gạt phăng" các mẫu sedan khỏi danh sách của mình khi anh cho rằng xe gầm cao mới phù hợp với các gia đình trẻ.
Các gia đình trẻ có xu hướng chọn mua xe gầm cao đô thị (Ảnh: Thanh Thanh).
"Tầm tiền đó có thể mua sedan cỡ B với không gian khá rộng rãi, nhưng nếu chọn xe gầm cao cỡ A+ thì cũng chẳng chật hơn là bao mà đa dụng hơn đáng kể. Vợ chồng mình mới lấy bằng, dự định mua xe để đi lại trong phố nên kích thước nhỏ gọn lại là điểm cộng. Gầm cao nên đỡ phải "rén" chân hơn, cuối tuần về quê cũng vô tư", anh Hoàng nói.
Cân nhắc với Kia Sonet nhưng cuối cùng "chốt" chiếc Toyota Raize, anh Hoàng nói mình và vợ hài lòng với quyết định này. "Với số tiền dưới 600 triệu đồng thì trước đây chẳng có lựa chọn xe gầm cao nào, không tính xe đã qua sử dụng. Raize và Sonet đều có những điểm mạnh riêng, với cá nhân mình thì vẫn dành sự ưu tiên cho xe Nhật", anh chia sẻ.
Raize và Sonet tạo nên cuộc đua song mã trong phân khúc xe gầm cao cỡ nhỏ A+/B-. Mẫu xe của Toyota ghi điểm bằng ngoại hình cá tính với nhiều lựa chọn màu sơn nổi bật, trong đó có cả tùy chọn nóc sơn đen. Đây cũng là ô tô đầu tiên của hãng tại Việt Nam được trang bị động cơ 1.0 Turbo.
Raize cũng cạnh tranh sòng phẳng khi sở hữu nhiều trang bị an toàn như 6 túi khí, hệ thống phanh ABS, BA, EBD, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi. Trong số đó, có những tính năng mà đối thủ Sonet không có, bù lại Kia cũng sở hữu cảm biến áp suất lốp, cảm biến phía trước…
Nhóm xe gầm cao cỡ nhỏ A+/B- tại Việt Nam còn đón thêm đối thủ là VinFast VF 5 Plus chạy điện hoàn toàn. Trong thời gian tới, phân khúc này hứa hẹn thêm sôi động khi có thể Hyundai sẽ tung thêm sản phẩm cạnh tranh. Cuộc chiến xe Nhật và xe Hàn lúc đó càng thêm hấp dẫn.
Xe gầm cao cỡ B đón "tân binh" thương hiệu Nhật
Nếu tính riêng nhóm SUV đô thị Corolla Cross và Raize - 2 mẫu từ Toyota đang chiếm ưu thế trong phân khúc. Dù vậy, nhóm B-SUV tại Việt Nam đang ghi nhận sự lấn lướt của xe Hàn khi Kia Seltos và Hyundai Creta đều có sức bán tốt. Hai mẫu xe trên cũng nhiều lần góp mặt trong top 10 xe bán chạy nhất thị trường, cho thấy sức hút của dòng sản phẩm này với khách Việt.
Yaris Cross là cái tên mới nhất gia nhập phân khúc xe gầm cao đô thị tại Việt Nam (Ảnh: TMV).
Không bỏ ngỏ "miếng bánh" hấp dẫn đó, Toyota đã ra mắt Yaris Cross tại thị trường Việt Nam vào ngày 19/9. Hãng xe Nhật Bản còn thể hiện rõ tham vọng về doanh số khi xe dù mới được bán ra nhưng đã được hãng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho khách mua xe trong năm 2023. Ngoài ra, Toyota còn đưa ra gói hỗ trợ tài chính và giảm giá các gói sản phẩm bảo hiểm - điều chưa từng có tiền lệ với Toyota Việt Nam.
Sự xuất hiện của Yaris Cross mang đến cho khách hàng trong nước nhiều lựa chọn xe gầm cao đô thị cỡ B hơn. Mẫu ô tô mới của Toyota có lợi thế khi khoảng sáng gầm lên tới 210mm, cao hơn so với Hyundai Creta (200mm) và Kia Seltos (190mm), hứa hẹn tăng sự linh hoạt.
Hyundai Creta đang chiếm ưu thế về doanh số ở nhóm B-SUV nhưng cũng gặp nhiều cạnh tranh từ Kia Sonet và "tân binh" Yaris Cross (Ảnh: Hyundai MB).
Yaris Cross cũng là mẫu xe duy nhất phân khúc ở Việt Nam có lựa chọn động cơ full hybrid xăng-điện lai. Trong khi công nghệ an toàn chủ động cũng nhỉnh hơn đối thủ, với các tính năng như cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo lệch làn và hỗ trợ giữ làn, điều khiển hành trình chủ động, đèn chiếu xa tự động, cảnh báo phương tiện phía trước khởi hành và kiểm soát vận hành chân ga…
Với sự xuất hiện của Toyota Yaris Cross trong thời gian tới, thế trận cạnh tranh giữa xe Nhật và xe Hàn ở phân khúc gầm cao cỡ B sẽ cân bằng hơn, hấp dẫn hơn. Thành công của "đàn anh" Corolla Cross với hàng nghìn chiếc mỗi tháng, liên tục có mặt trong top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam và cùng với sức duy trì ổn định của Toyota Raize là cơ sở để đặt hy vọng vào Yaris Cross.
Phân khúc còn có Peugeot 2008, MG ZS, Nissan Kicks hay Volkswagen T-Cross nhưng đều không được công bố doanh số cụ thể (Ảnh: Gia An).
Đa dạng lựa chọn động cơ, tiết kiệm nhiên liệu
Phân khúc xe gầm cao đô thị tại Việt Nam hiện nay có cả chục lựa chọn. Ngày 29/9 tới, thêm một sản phẩm gia nhập cuộc đua này, đó là VinFast VF 6. Mẫu xe điện thương hiệu Việt sẽ được giới thiệu và dự kiến nhận đặt cọc trong tháng 10, có thể giao xe tới tay khách hàng trong tháng 11.
Sự xuất hiện của VinFast VF 6 giúp phân khúc có thêm lựa chọn về động cơ (Ảnh: Jessica Hahn).
Cùng với VF 5 Plus, sự xuất hiện của VF 6 cũng giúp phân khúc gầm cao đô thị thêm đa dạng về lựa chọn động cơ, trong đó mẫu xe VinFast là loại thuần điện với pin cắm sạc.
Corolla Cross và Yaris Cross đều có phiên bản hybrid (dạng nối tiếp). Trong đó, động cơ này bao gồm máy xăng, kết hợp với mô-tơ điện và khối pin. Trang bị này giúp xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, không phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc.
Với máy hybrid, khi xe khởi động và chạy ở tốc độ thấp, chỉ mô-tơ điện được kích hoạt nhằm tận dụng lợi thế về mô-men xoắn tốc độ thấp. Trong điều kiện tăng tốc, cả động cơ xăng và điện cùng hoạt động nhằm mang lại công suất tối ưu. Khi chạy bình thường, động cơ xăng xe làm việc chính, trong khi năng lượng dư thừa được nạp vào pin. Cuối cùng, khi giảm tốc thì năng lượng sẽ được tích vào pin.
Ngày càng có nhiều mẫu xe "xanh" gia nhập thị trường Việt Nam (Ảnh: TMV).
Cũng là xe hybrid nhưng Nissan Kicks là dạng song song. Cỗ máy này được hãng đặt tên là e-Power, trong đó xe cũng bao gồm động cơ xăng, mô-tơ điện và pin. Tuy nhiên máy xăng chỉ đóng vai trò như máy phát điện để sạc pin. Mô-tơ điện sẽ dẫn động trực tiếp tới bánh xe. Có thể hình dung rằng nó chạy như xe điện nhưng không phải sạc mà chỉ cần đổ xăng.
Cuối cùng, dòng xe dùng động cơ xăng đơn thuần vẫn chiếm chủ đạo. Như vậy tại Việt Nam, xe hybrid đang được dẫn dắt và thúc đẩy chủ yếu bởi các thương hiệu Nhật. VinFast đi theo hướng ô tô thuần điện.
Xe hybrid (nói chung) có ưu điểm về khả năng tiết kiệm nhiên liệu, chỉ khoảng 4-5 lít/100km đường đô thị, nhưng giá thành thường cao hơn khoảng 10-15% so với phiên bản thuần xăng. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều lựa chọn xe "xanh" tại Việt Nam cũng hứa hẹn sự chuyển dịch trong tâm lý mua ô tô của khách hàng.
Theo dantri.com.vn