Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:
Câu 1. Ông Lương Minh Phúc trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời
Kinh doanh trái phép được hiểu là hành vi kinh doanh phải đăng ký kinh doanh nhưng lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh không đúng với những nội dung đã đăng ký với cơ quan nhà nước hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong các trường hợp yêu cầu phải có giấy phép.
Theo đó, Tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh tại Điều 6 như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh;
- Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh;
- Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;
- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;
- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;
- Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra còn hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng, Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Câu 2: Ông Trương Hùng Vinh, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: hành vi đăng những thông tin phản động lên mạng xã hội, lan truyền những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Trả lời
Căn cứ Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định như sau:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Căn cứ Khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về trang thông tin điện tử có quy định như sau:
Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;
c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;
đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
b) Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.”
Câu 3. Ông Mai Tất Thành trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: mức xử phạt vi phạm hành chính hành vi xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian của tổ chức, cá nhân khác được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 9, 10 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, thì hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt sẽ bị xử phạt:
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, đối với hành vi xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung sẽ bị xử phạt:
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định rõ, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm phải phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.