Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch

Thứ 3, 10.12.2024 | 08:55:23
196 lượt xem

Từ định hướng Nghị quyết về "Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025". Sau 4 năm thực hiện, Du lịch huyện Than Uyên đã có bước phát triển đột phá thu hút lượng khách đến thăm quan thuộc top đầu của tỉnh Lai Châu.

Vịnh Pá Khôm, xã Pa Mu, huyện Than Uyên được ví như vịnh Hạ Long giữa đại ngàn.

Điểm hấp dẫn thu hút lượng khách đến thưởng ngoạn nhiều nhất của huyện Than Uyên là Vịnh Pá Khôm. Sự hài hòa giữa cảnh sắc núi non hùng vĩ quyện hòa mây trời và hồ nước mênh mông tạo nên bức tranh như vịnh Hạ Long thu nhỏ trên núi.

Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức những món ăn độc đáo của các dân tộc bản địa mà còn được hòa mình vào không gian thư thái tĩnh lặng và được ngâm mình trong dòng nước khoáng nóng.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 1

Nhiều hoạt động trải nghiệm và check-in cho du khách khi ghé thăm vịnh Pá Khôm.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 2

Nhiều hoạt động trải nghiệm và check-in cho du khách khi ghé thăm vịnh Pá Khôm.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 3

Nhiều hoạt động trải nghiệm và check-in cho du khách khi ghé thăm vịnh Pá Khôm.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 4

Nhiều hoạt động trải nghiệm và check-in cho du khách khi ghé thăm vịnh Pá Khôm.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 5

Nhiều hoạt động trải nghiệm và check-in cho du khách khi ghé thăm vịnh Pá Khôm.

Ông Hoàng Phi Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pha Mu cho biết: "Tận dụng lợi thế cảnh quan, lòng hồ thủy điện, chúng tôi đã mời gọi và thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Đến nay du khách đến với xã chúng tôi sẽ được trải nghiệm các món ăn đặc sắc của đồng bào người Thái, người Khơ Mú; được trải nghiệm chơi trượt Zipline, lướt thuyền, ca-nô, phao Sopha, phao hơi để ngắm vẻ đẹp của núi rừng vòng quanh vịnh Pá Khôm. Đồng thời được tắm suối nước khoáng nóng giữa lòng hồ mênh mông để thư giãn".

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 6

Ẩm thực đặc trưng của bà con người dân tộc bản địa.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 7

Văn hóa đa dạng, đặc sắc và truyền thống.

Huyện Than Uyên cũng định hướng các xã (Mường Kim, Ta Gia, Pha Mu) khai thác tiềm năng, lợi thế của 2 lòng hồ thủy điện Huội Quảng và Bản Chát để đẩy mạnh phát triển du lịch lòng hồ; khuyến khích nhân dân đầu tư thuyền, tạo dựng cảnh quan quanh khu vực lòng hồ để hấp dẫn khách du lịch. Trong đó chú trọng kết hợp dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, giao lưu văn nghệ đồng với bào dân tộc Khơ Mú, Thái trên lòng hồ. Đồng thời tận dụng và khai thác những địa danh có cảnh quan đẹp để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 8

Vịnh Pá Khôm và quy hoạch phát triển trong thời gian tới.

Chị Trần Linh Chi, Chủ Khu du lịch Đồi Thông thuộc Khu 7, thị trấn Than Uyên cho biết: Gia đình tôi tận dụng khu Đồi Thông với cảnh quan đẹp lại gần vị trí trung tâm để phát triển du lịch. Tại đây, chúng tôi phát triển dịch vụ ăn uống với các món ăn đặc trưng của người Thái, người Mông kết hợp dịch vụ lưu trú. Chúng tôi cũng tạo các điểm check in; tới đây chúng tôi sẽ tạo thêm các cảnh quan khác với mong muốn du khách đến sẽ được cảm nhận không gian thư thái sau những ngày làm việc mệt nhọc; được thấy sự thay đổi giao thoa của thời tiết lúc hoàng hôn, bình minh và các mùa trong năm…

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 9
Khu du lịch Đồi Thông thuộc Khu 7, thị trấn Than Uyên là điểm đến mới được đầu tư.

Cùng với việc thu hút đầu tư, tạo cảnh quan và các dịch vụ du lịch, huyện Than Uyên chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của 10 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Dân tộc Khơ Mú là một dân tộc bản địa cư trú tại nhiều xã của huyện. Theo thời gian, trang phục truyền thống của dân tộc này có một số thay đổi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện sống thực tế. Tuy nhiên, đang xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại có thể dẫn tới nguy cơ biến dạng, bị mai một.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 10

Than Uyên chú trọng giữ gìn các hoạt động văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Để bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa, nhất là trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, huyện Than Uyên mở lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục Khơ Mú cho người dân. Qua đó gìn giữ, bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc Khơ Mú; xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn, khôi phục các hoạt động văn hóa truyền thống từ đó gắn với phát triển du lịch.

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 11

Huyện Than Uyên đã phục dựng thành công và duy trì nhiều lễ hội, nhiều nét văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch.

Những năm qua, huyện Than Uyên đã tổ chức phục dựng thành công 4 lễ hội: Hạn Khuống, Kin Pang, Mừng cơm mới, Gầu Tào và duy trì các lễ hội Xòe Chiêng, Lùng Tùng… Các lễ hội được phục dựng và duy trì tổ chức thường xuyên trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị của huyện. Ngoài ra Than Uyên còn đầu tư phát triển các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa các dân tộc như: chợ phiên Nậm Pắt, xã Tà Mung; chợ đêm Ta Gia, xã Ta Gia…

Than Uyên, gắn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch ảnh 12

Chợ phiên Nậm Pắt, xã Tà Mung đậm bản sắc văn hóa và là điểm đến lý tưởng cho du khách.

Bà Lương Thị Tý, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 6 di tích cấp tỉnh, trong đó có 5 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng. Đặc biệt Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao Quyết định công nhận, Bằng xác lập Kỷ lục Tôn vinh giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam cho UBND huyện Than Uyên “Là địa phương tổ chức Tết Độc lập gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thường xuyên, liên tục trong nhiều năm nhất” (12 lần, từ năm 2012 đến năm 2024).

Bên cạnh đó, văn hóa dân gian dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú.. là di sản văn hóa phi vật thể có nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, nhiều làng nghề truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Sự đa dạng về sắc màu văn hóa các dân tộc kết hợp các di tích, danh lam thắng cảnh đẹp đã tạo điều kiện cho du lịch Than Uyên phát triển nhanh. Tổng số khách du lịch năm 2024 đã đón trên 314.000 lượt, vượt 26,5% so với năm 2023.

Thực hiện Nghị quyết về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025”, huyện Than Uyên hiện đang tiếp tục khảo sát, xác định được lợi thế về điều kiện, đặc điểm tự nhiên, nét văn hóa, giao thông, phân tích giá trị và những bản sắc văn hóa sẵn có nhằm tạo được sản phẩm du lịch riêng biệt; tích cực học hỏi, vận dụng phù hợp tại địa bàn…

Đây cũng là động lực để huyện Than Uyên quyết tâm đưa du lịch trở thành một trong những lĩnh vực trọng tâm trong phát kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/than-uyen-gan-ban-sac-van-hoa-voi-phat-trien-du-lich-post849432.html

  • Từ khóa