Công nghệ GeoAI được khuyến khích áp dụng trong suốt quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên vừa ký ban hành Thông tư số 21/2024 quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản đất hiếm, có hiệu lực từ 6/1/2025.
Đất hiếm là tên gọi chung của nhóm 17 nguyên tố, bao gồm: Lantan (La), Ceri (Ce), Praseodymi (Pr), Neodymi (Nd), Promethi (Pm), Samari (Sm), Europi (Eu), Gadolini (Gd), Terbi (Tb), Dysprosi (Dy), Holmi (Ho), Erbi (Er), Thuli (Tm), Yterbi (Yb), Luteti (Lu), Scandi (Sc), Yttri (Y).
Mỏ đất hiếm Đông Pao được kiểm tra hiện trạng vào tháng 5/2023 (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Tam Đường).
Quy định mới khuyến khích áp dụng ứng dụng công nghệ GeoAI (ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo trong tổng hợp, phân tích dữ liệu địa chất) trong suốt quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu nhân AI phải đảm bảo tính bảo mật về tài liệu nguyên thủy; thông tin dữ liệu đầu vào gồm cấu trúc địa chất, thông tin về địa chất, mặt cắt địa chất, số liệu địa hóa, địa vật lý, các công trình khoan, các điểm mỏ khoáng sản, địa chất thủy văn, môi trường và các dữ liệu liên quan khác (nếu cần thiết);
"Kết quả ứng dụng công nghệ GeoAI cần được đánh giá mức độ tin cậy", thông tư nêu rõ.
Việc thăm dò quặng đất hiếm có thể lựa chọn các loại công trình khai đào (vết lộ, hào, giếng, lò) và khoan.
Các công trình thăm dò được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện thế nằm, chiều sâu phân bố, cấu tạo địa chất, hình thái, chiều dày của từng thân quặng và đặc tính của lớp phủ.
Đối với các mỏ có cấu tạo địa chất phức tạp, để làm rõ điều kiện thế nằm, hình dạng, cấu tạo bên trong thân quặng, Thông tư 21 cho rằng cần sử dụng các công trình thăm dò như lò dọc vỉa hoặc xuyên vỉa, hạn chế sử dụng công trình khoan.
Công trình khoan phải thu hồi cao nhất lõi khoan nguyên thỏi. Tỷ lệ lấy mẫu lõi khoan không được nhỏ hơn 70% theo từng hiệp khoan qua đá và 85% khi khoan qua quặng. Tất cả các lỗ khoan phải đo địa vật lý lỗ khoan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu việc tính trữ lượng, tài nguyên quặng đất hiếm phải căn cứ vào chỉ tiêu tính trữ lượng được luận giải chi tiết trong báo cáo thăm dò khoáng sản cho từng mỏ.
Phương pháp tính trữ lượng và tài nguyên quặng đất hiếm phải được lựa chọn phù hợp với đặc điểm cấu trúc thân quặng cho từng mỏ; áp dụng các phần mềm chuyên dụng để tính trữ lượng.
Cấp trữ lượng cao nhất đối với mỏ nhóm I, II phía thăm dò là cấp 121; đối với mỏ nhóm III, IV phải thăm dò là cấp 122.
Tỷ lệ các cấp trữ lượng 121, 122 do chủ đầu tư xác định trên cơ sở đặc điểm địa chất của mỏ, khả năng tài chính, điều kiện kỹ thuật khai thác, công suất dự kiến khai thác, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ trữ lượng cao nhất đối với mỏ I, II trên tổng trữ lượng của mỏ không thấp hơn 10%; hoặc đảm bảo yêu cầu khai thác ít nhất 5-7 năm theo công suất dự kiến.
Mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này là mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu). Mỏ có diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn oxit và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. Trữ lượng được cấp phép là đất hiếm (TR2O3) khoảng 1,1 triệu tấn, Barit (BaSO4) khoảng 4,2 triệu tấn và Fluorit (CaF2) khoảng 6 triệu tấn.
Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng đất hiếm của thế giới là khoảng 120 triệu tấn. Trong đó, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là: Trung Quốc với 44 triệu tấn (chiếm 37,9% trữ lượng toàn cầu); Việt Nam 22 triệu tấn (chiếm 18,9%); Brazil 21 triệu tấn (chiếm 18,1%); Nga 12 triệu tấn (chiếm 10,3%); Ấn Độ 6,9 triệu tấn (chiếm 5,9%)
Các quốc gia khác có trữ lượng đất hiếm đáng kể bao gồm: Australia với 4,1 triệu tấn; Hoa Kỳ 1,5 triệu tấn; Đảo Greenland 1,5 triệu tấn; Tanzania 0,89 triệu tấn; Canada 0,8 triệu tấn.
Theo dantri.com.vn