Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, không khí lạnh liên tục tăng cường khiến nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh giảm sâu. Do đó, các nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh rét, đảm bảo sức khỏe cho học sinh...
Trường mầm non xã Cường Lợi, huyện Đình Lập phối hợp với cán bộ trạm y tế xã kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ khi đến trường
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay, không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh từ đầu tháng 12/2024, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12. Để đảm bảo sức khỏe và điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, từ đầu năm học ngành giáo dục tỉnh đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC), lớp học đảm bảo kiên cố, tránh gió lùa, nhất là trong những ngày mưa rét.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện cấp mầm non có khoảng 2.239 phòng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, với tỉ lệ kiên cố hóa là 81%; cấp tiểu học có khoảng 2.987 phòng học với tỉ lệ kiên cố hóa là 79%; cấp THCS và THPT có hơn 2.000 phòng học, tỉ lệ kiên cố hóa đạt trên 89%. Còn lại là các phòng bán kiên cố, toàn tỉnh không còn phòng học tạm. Qua đó, cơ bản đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy và học trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.
Tìm hiểu tại huyện Tràng Định, năm học 2024 - 2025, huyện có 55 trường học từ mầm non đến THCS với hơn 12.000 học sinh ở các bậc học. Ông Đường Mạnh Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: “Từ đầu mùa đông, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các trường học chủ động trong công tác phòng chống rét, đặc biệt là đối với học sinh bán trú. Các trường được yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng CSVC, đóng kín cửa phòng, có biện pháp chống gió lùa và bố trí đầy đủ chăn, màn cho học sinh. Khi thời tiết rét đậm, nhà trường tổ chức các hoạt động trong lớp để hạn chế việc học sinh phải ra ngoài trời”.
Không riêng ở Tràng Định, từ đầu năm học này, các trường trong toàn tỉnh đều đã tiến hành sửa chữa CSVC phục vụ năm học, đồng thời gia cố cửa sổ, cửa chính nhằm hạn chế gió lùa khi mùa đông đến; cùng đó, bổ sung, trang bị thêm chăn, đệm và quần áo ấm cho học sinh bán trú, đặc biệt là ở các vùng cao, biên giới và khu vực khó khăn.
Tìm hiểu tại điểm trường mầm non thôn Cốc Sâu, thuộc Trường Mầm non xã Nam Quan, huyện Lộc Bình. Đây là một điểm trường vùng cao, nằm trên mỏm đồi và thường xuyên hứng chịu những cơn gió lạnh, rét buốt trong mùa đông. Cô giáo Nguyễn Thị Khôn, phụ trách lớp mầm non tại đây chia sẻ: “Điểm trường tuy khó khăn và nằm cách xa trường chính nhưng chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các em. Lớp học được xây dựng theo mô hình phòng lắp ghép chắc chắn, cửa sổ bằng kính giúp lấy sáng và tránh gió lùa. Ngoài ra, chúng tôi trang bị thảm xốp và chăn ấm để trẻ luôn được giữ ấm trong những ngày lạnh giá”.
Để đảm bảo các điều kiện dạy và học trong mùa đông này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường những ngày rét không bắt buộc học sinh mặc đồng phục và hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời; chủ động điều chỉnh thời gian học muộn hơn; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động xây dựng kế hoạch để kịp thời thông báo lịch học đến phụ huynh; những trường có học sinh ở bán trú quan tâm đến việc giữ thức ăn nóng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức đề kháng cho học sinh. Bên cạnh đó, sở cũng hướng dẫn các nhà trường tiếp tục rà soát, sửa chữa bảo đảm các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... tránh gió lùa, có đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.
Trong trường hợp nhiệt độ xuống thấp, ban giám hiệu các trường căn cứ tình hình thực tế, điều kiện CSVC, chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định, đồng thời, hướng dẫn học sinh tự học, ôn tập tại nhà; bố trí cán bộ, giáo viên để quản lý, chăm sóc học sinh không nắm được thông tin mà vẫn đến trường. Sau khi tổ chức đi học trở lại, các trường chủ động xây dựng phương án dạy bù để đảm bảo thời gian kế hoạch năm học.
Với chỉ đạo của ngành và với tinh thần không chủ quan trước tình hình thời tiết, hiện nay các trường học trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục có nhiều giải pháp thiết thực và cụ thể để làm tốt công tác phòng, chống rét và giữ ấm cho học sinh, bảo đảm luôn duy trì tốt nền nếp học tập và tỷ lệ học sinh chuyên cần.
Dự báo trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện các đợt rét kéo dài. Vì vậy, các cơ sở giáo dục, nhất là các trường ở vùng cao đang tiếp tục chủ động các biện pháp phòng tránh rét, đảm bảo sức khỏe, duy trì sĩ số học sinh... Với những giải pháp đồng bộ, ngành giáo dục tỉnh kỳ vọng sẽ đảm bảo tỷ lệ chuyên cần của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học dù trong mùa đông lạnh giá này.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/dam-bao-suc-khoe-giu-am-cho-hoc-sinh-khi-den-truong-5031371.html