Những bài học kinh nghiệm phục hồi sau bão Yagi

Thứ 3, 24.12.2024 | 09:34:35
246 lượt xem

Bão số Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía bắc, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sau bão với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và sự góp sức của nhiều tổ chức quốc tế, đến nay cơ bản cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng bão, lũ đã dần ổn định; sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… từng bước được khôi phục, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Diện tích nhà lưới bị thiệt hại sau bão Yagi. (Ảnh: THANH TRÀ)


Sự phục hồi mạnh mẽ

Theo báo cáo tổng hợp của các tỉnh phía bắc, sau bão Yagi diện tích lúa bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 285 nghìn ha, diện tích hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 61 nghìn ha và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 115 nghìn ha.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: “Để nhanh chóng khôi phục sản xuất cho bà con, ngành nông nghiệp đã chủ động theo dõi sát sao khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế, từ đó điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp.

Cụ thể, tập trung vào phát triển các loại cây vụ đông ưa lạnh, có khả năng bảo quản lâu dài và có thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài linh hoạt trong các phương thức làm đất, gieo trồng, chúng tôi đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và lao động. Công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ đông và kiểm soát nguồn vật tư nông nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ.

Nhận định về sự quyết liệt vào cuộc khắc phục hậu quả sau bão ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng: Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía bắc, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình trên, ngay sau bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục hậu quả sau bão. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ nguồn lực ngân sách, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… khắp cả nước đã cùng nhau hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại.

Nhờ đó, sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… từng bước được khôi phục, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Những bài học kinh nghiệm phục hồi sau bão Yagi ảnh 1

Người dân tích cực khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra. (Ảnh: THANH TRÀ)

Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều điểm sáng đã xuất hiện. Tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai, quyết đoán đưa 115 người dân đi tránh thiên tai an toàn. Cùng lúc đó, tại huyện Bát Xát, hiệu trưởng trường cấp 3 đã báo cáo chính quyền về vết nứt tại địa phương. Vị hiệu trưởng cùng các thầy cô đã đưa 141 thầy trò thoát khỏi nơi nguy hiểm. Hai tiếng sau, trường bị vùi lấp.

Cô giáo trường cấp 2 ở Thanh Hóa khi thấy ký túc xá của học sinh có dấu hiệu sạt lở đã kịp thời báo động, đưa hơn 200 người ra ngoài an toàn. 15 phút sau, ký túc bị vùi lấp.

Về ứng phó đê điều, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng các địa phương xử lý hơn 800 sự cố. Có thể kể đến cống Bún ở Bắc Giang, cống Nổ Thôn ở tả sông Mã, Thanh Hóa được xử lý kịp thời, giúp gần 60.000 nhân khẩu thoát hiểm. Ngay tại Yên Bái, người dân cũng rất phối hợp chính quyền khi đi sơ tán, đề phòng phương án phải phá đập Thác Bà do lượng nước đổ về vượt mức thiết kế.

Những bài học rút ra từ sau bão

Chia sẻ về bài học sau bão Yagi, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng, khi có thông tin về dự báo bão mạnh, cần có sự rà soát đối với các tỉnh, trong đó có các tỉnh miền núi, biên giới, nơi có tình huống về chia cắt giao thông, gây khó khăn cho liên lạc, khắc phục hậu quả thiên tai.

Không những vậy, cần huy động nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng trong và ngoài nước vào cuộc, trong đó có phục hồi về nông nghiệp. Phục hồi sản xuất cần gắn với sinh kế và phát triển cộng đồng. Ngoài ra, khối lượng thiệt hại về nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm giá trị lớn nên cần có giải pháp bảo đảm an toàn trước thiên tai trong thời gian tới.

Ông Hải kiến nghị, trong thời gian tới cần kiện toàn bộ máy nhằm bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

Thêm vào đó, ông Hải cho rằng, thời gian tới cần rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách do các địa phương đề xuất, rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai, nhất là với nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm có giá trị lớn, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ…

Theo ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai, bên cạnh thiệt hại lớn về hạ tầng và nông nghiệp, hơn 90% thiệt hại về người do sạt lở và lũ quét. Vì vậy, cần rà soát lại năng lực phòng, chống bão và thiên tai ở các tỉnh phía bắc. Ông Phát nhấn mạnh: “Phương châm chỉ đạo phòng, chống thiên tai: Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”.

Trên cơ sở đó, cần tăng cường năng lực trung hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào công tác dự phòng để chủ động ứng phó với thiên tai. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế giúp nâng cao hiệu quả trong công tác dự phòng, từ đó dành nguồn lực hợp lý để triển khai cho những năm tiếp theo.

“Công tác dự phòng cần được triển khai qua 7 nhóm giải pháp, cụ thể: Rà soát và đánh giá các vùng có nguy cơ thiên tai, xác định các biện pháp ứng phó cụ thể cho từng khu vực; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để bảo đảm thông tin kịp thời cho cộng đồng; tăng cường năng lực ứng phó ở cấp cơ sở, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xử lý tình huống và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu với thiên tai.

Những bài học kinh nghiệm phục hồi sau bão Yagi ảnh 3

Người dân Quảng Ninh tích cực sửa chữa bè nổi khôi phục nuôi trồng thủy sản sau bão Yagi. (Ảnh: THANH TRÀ)

Các địa phương cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời cải thiện năng lực hệ thống chính trị. Bên cạnh hỗ trợ từng hộ gia đình, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai trong tương lai”, ông Phát cho biết.

“Trong thời gian tới, Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai dự kiến lắp đặt thêm một số trạm và thiết bị tự động đo mưa tại các điểm nguy hiểm, có khả năng sạt lở cao tại Yên Bái. Bên cạnh đó, Quỹ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đội xung kích cấp cơ sở để ứng phó hiệu quả với các thiên tai xảy ra trong tương lai’, ông Cao Đức Phát chia sẻ.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-phuc-hoi-sau-bao-yagi-post852146.html

  • Từ khóa