Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 501/QĐ-TTg về việc giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021, với tổng dự toán là 106.118.250 triệu đồng.
Ảnh minh họa: Trần Hải.
Theo đó, một số Bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố được giao số tiền dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh (KB,CB) bảo hiểm y tế (BHYT) cao như BHXH TP Hồ Chí Minh: 20.102.755 triệu đồng; BHXH TP Hà Nội: 18.846.459 triệu đồng; Nghệ An: 3.474.379 triệu đồng; Cần Thơ: 2.111.26 triệu đồng; Đồng Nai: 2.568.366 triệu đồng; Thừa Thiên Huế: 2.099.383 triệu đồng…
Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát việc thực hiện dự toán chi KB,CB BHYT được giao năm 2021, bảo đảm việc thực hiện đúng quy định.
Đối với chi KB,CB BHYT năm 2020 và năm 2021 vượt dự toán hằng năm được Thủ tướng Chính phủ giao và đã được BHXH Việt Nam thẩm định, tổng hợp bảo đảm nguyên nhân khách quan, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chủ động quyết định việc tạm cấp kinh phí KB,CB BHYT từ quỹ BHYT cho các địa phương để bảo đảm kinh phí kịp thời cho các cơ sở KCB trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam. Số kinh phí tạm cấp tối đa bằng 80% số kinh phí đã được BHXH Việt Nam thẩm định, tổng hợp do nguyên nhân khách quan, trình Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo:
Thứ nhất, BHXH cấp tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan có liên quan thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT và dự toán chi phí KB,CB BHYT được giao, không giao dự toán chi KCB BHYT đến các cơ sở KB,CB BHYT; thực hiện nghiêm túc quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KB,CB BHYT theo quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.
Thứ hai, Sở Y tế chủ trì, phối hợp BHXH cấp tỉnh và cơ quan có liên quan tăng cường công tác tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về BHYT thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Thứ ba, Sở Tài chính chuyển đủ và kịp thời kinh phí ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm; tham gia quản lý quỹ BHYT theo quy định.
Thứ tư, các cơ sở KB,CB thực hiện cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về KB,CB BHYT và chuyển dữ liệu cho cơ quan BHXH theo quy định để việc giám định, thanh toán được chính xác, kịp thời.
Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông về BHYT, có giải pháp vận động người dân tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng hướng tới đạt chỉ tiêu phát triển BHYT theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tổ chức thực hiện chế độ BHYT bảo đảm nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện cho người tham gia BHYT. Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số chi KB,CB BHYT lớn hơn hoặc nhỏ hơn dự toán chi KB,CB BHYT được giao tại Quyết định này, BHXH cấp tỉnh thuyết minh cụ thể số liệu và nguyên nhân, gửi BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.
Để bảo đảm thanh toán kịp thời cho các cơ sở KB,CB, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xem xét, quyết định tạm cấp tối đa bằng 80% số kinh phí đủ điều kiện thanh toán đã được BHXH Việt Nam thẩm định, tổng hợp.
Bộ trưởng Y tế có trách nhiệm khẩn trương sửa đổi định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ KB,CB làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ KB,CB cho phù hợp, gắn với chất lượng dịch vụ, điều kiện thực tế tại các cơ sở KB,CB và khả năng cân đối quỹ BHYT. Ban hành hướng dẫn thanh toán chi phí KB,CB gắn với chất lượng dịch vụ y tế và chế tài xử lý với các trường hợp không bảo đảm chất lượng dịch vụ. Chỉ đạo các cơ sở KB,CB cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền. Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đánh giá tình hình thực hiện giá dịch vụ KB,CB BHYT, khả năng thu, chi và cân đối quỹ BHYT, trên cơ sở đó, đề xuất lộ trình kết cấu chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ y tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chủ trì, phối hợp BHXH Việt Nam hướng dẫn các phương thức thanh toán chi phí KB,CB BHYT theo quy định của pháp luật về KB,CB BHYT để kiểm soát chi phí KB,CB BHYT hiệu quả, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí nguồn ngân sách nhà nước thực hiện chế độ, chính sách BHYT đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 31-3-2021 và áp dụng cho năm tài chính năm 2021.
Trong năm ngoái, BHXH Việt Nam đã thanh toán chi phí KB,CB BHYT cho 167,605 triệu lượt người. Ước chi cho KB,CB BHYT là 102.921 tỷ đồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg giao dự toán thu, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2021.
Cụ thể, tổng thu là 448.723.675 triệu đồng.Tổng chi là 350.826.363 triệu đồng.
XUÂN ANH/NHANDAN.COM.VN