Bất cập trong giải quyết tranh chấp học phí trường tư thục

Thứ 5, 25.06.2020 | 15:41:46
534 lượt xem

Dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Trong thời gian học sinh nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh, học trực tuyến (online) trở thành giải pháp tạm thời khi học sinh không thể đến trường.

Hoàn cảnh này làm phát sinh nhiều bất đồng giữa các trường tư thục và phụ huynh về việc thu học phí trong kỳ học online. Việc giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Việc thu học phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Đối với các trường quốc tế và trường tư thục, việc thu học phí thực hiện theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình. Các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa. Vì vậy, việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu thêm học phí. Bộ GD&ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như học online… thì việc quy định mức thu do các thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường với gia đình học sinh.

Bất cập trong giải quyết tranh chấp học phí trường tư thục
Sau khi phụ huynh phản ứng vì thông báo thu phụ phí dạy online trong thời gian học sinh nghỉ dịch Covid-19, hệ thống Trường liên cấp Newton đã không thu khoản phí này. Ảnh: THANH HỒNG.


Như vậy, khi có tranh chấp giữa nhà trường và phụ huynh về học phí online thì cơ chế giải quyết theo pháp luật là tự thỏa thuận. Chị Thanh Hồng, phụ huynh có con đang học tại hệ thống Trường liên cấp Newton, chia sẻ: “Ngày 16-2, nhà trường gửi thông báo đến phụ huynh về việc tổ chức dạy học online và mức thu thêm trong thời gian học online ngoài học phí là 2.200.000 đồng/học sinh với khối tiểu học và 2.500.000 đồng/học sinh với khối THCS và THPT. Rất nhiều phụ huynh không đồng tình với mức thu này và kiến nghị lên nhà trường, sau đó trường đã xem xét bỏ mức thu thêm này. Đến ngày 1-4, trường thông báo vẫn thu đúng các khoản phí (10 tháng) đã niêm yết từ đầu năm”.

Thế nhưng, trên thực tế không phải mâu thuẫn nào cũng có thể giải quyết bằng cách tự thỏa thuận như sự việc kể trên. Vẫn có nhiều trường hợp phụ huynh và nhà trường không thể tìm được tiếng nói chung bằng đối thoại, thỏa thuận. Điển hình như vụ việc tại Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), sau nhiều lần yêu cầu đối thoại không thành, ngày 30-5, khoảng 100 phụ huynh tính toán đến việc khởi kiện Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Việt Úc. Theo đó, nội dung các phụ huynh khởi kiện gồm 3 ý chính: Phản đối việc Trường VAS thu 30% học phí online mà chưa được sự thỏa thuận của phụ huynh; không đồng ý về giờ học bổ sung 10 tiết/ngày cho học sinh THCS, THPT; yêu cầu chấm dứt hợp đồng, trả lại số tiền mà phụ huynh đã đóng nhưng chưa sử dụng. Vụ việc này cho thấy cơ chế tự thỏa thuận đã không hữu hiệu trong giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Và khi đó, việc chọn phương thức giải quyết khi có tranh chấp lại là bài toán khó cho các bên bởi đây là những trường hợp chưa có tiền lệ, phát sinh trong hoàn cảnh bất khả kháng do dịch bệnh.

Bình luận về vấn đề này, theo luật sư Trần Quang Khải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Khi coi quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh là quan hệ hợp đồng giữa bên cung cấp dịch vụ giáo dục và bên sử dụng dịch vụ giáo dục thì phương thức giải quyết tranh chấp gồm: Phương thức giải quyết bằng thương lượng, hòa giải; phương thức giải quyết bằng trọng tài và phương thức giải quyết bằng thủ tục tư pháp tại tòa án nhân dân. Theo đó dễ dàng xác định được thủ tục, cơ quan giải quyết khi có tranh chấp xảy ra theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Tuy nhiên, cũng cần có những quy định pháp lý đặc thù, cụ thể hơn, nhất là quy định về thu học phí, quy định phương thức giải quyết tranh chấp tại trường tư thục, trường quốc tế để tránh tình trạng lạm dụng, áp dụng tùy nghi trong thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hoa Lộc Vừng (Hà Nội), cho biết: "Mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường ngày càng gia tăng thì người bị ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh. Đây là quan hệ giáo dục hết sức đặc biệt. Những tranh chấp liên quan có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học tập của các em học sinh-đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng về tâm, sinh lý. Bởi vậy, phương pháp thỏa thuận vẫn là ưu tiên hàng đầu để giải quyết bất đồng về học phí. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường và phụ huynh có thể có văn bản xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục để được hướng dẫn, tránh lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình".

Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 tới đây có nhiều quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn sẽ là cơ sở để xây dựng, ban hành những quy định hướng dẫn cụ thể về thực hiện Luật Giáo dục nói chung và những quy định về trường tư thục nói riêng.

DƯƠNG SAO/qdnd

https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bat-cap-trong-giai-quyet-tranh-chap-hoc-phi-truong-tu-thuc-624195

  • Từ khóa