Qua 75 năm hình hành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chức năng lập pháp, tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội đã không ngừng đổi mới và ngày càng thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trong công tác lập hiến, lập pháp. Quốc hội đã kịp thời cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp thành hệ thống các đạo luật, đáp ứng các yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cải cách các thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Một số lượng vô cùng lớn các văn bản luật, pháp lệnh và nghị quyết được Quốc hội ban hành trong 14 khóa Quốc hội. Trong đó Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp và hàng nghìn Bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh. Đây là cơ sở cho một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và đổi mới.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14
Ngay sau khi được thành lập ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1946, là cơ sở hiến định để nhân dân ta được hưởng quyền tự do dân chủ và thực hiện quyền lực Nhà nước. Hiến pháp năm 1946 là cơ sở cho một hệ thống pháp luật của nước ta được ra đời như Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947 quy định về những việc làm công, giữa các chủ nhân, người Việt Nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt Nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do.
PGS TS Nguyễn Thị Báo - giảng viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, sự ra đời của sắc lệnh này đã tạo điều kiện cho việc điều chỉnh các chế độ đối với công chức rồi các thang lương cho công chức. Từ đó cho thấy việc ban hành các văn bản có liên quan đến lĩnh vực lao động, kinh tế đã được Quốc hội rất quan tâm ngay từ khóa 1 để ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo cơ hội cho người dân được thực hiện quyền lao động, việc làm để xây dựng và phát triển đất nước.
Trong từng giai đoạn của đất nước, công tác lập pháp của Quốc hội đều để lại ấn tượng nổi bật với cử tri và nhân dân. Đặc biệt, với việc ban hành Hiến pháp 2013, Quốc hội đã khẩn trương cụ thể hóa các quy định mới, tiến bộ của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để đất nước tiếp tục đổi mới, hội nhập. Quốc hội dành sự quan tâm rất lớn cho việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 cả về thể chế chính trị, về kinh tế thị trường và mở rộng dân chủ và quyền con người.
Các luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước tập trung vào các định hướng: Làm rõ bản chất, vị trí, vai trò chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cùng với đó, hàng loạt các luật trong lĩnh vực quyền con người, quyền công dân được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)… nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
"Sau Hiến pháp 2013, Quốc hội thể chế hóa được nhiều quyền cơ bản của công dân. Ví dụ như quyền về trưng cầu ý dân là một quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân đã được thể chế hóa khi Luật Trưng cầu ý dân ra đời. Hay Luật tiếp cận thông tin đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc thông tin cho người dân trong mối quan hệ với Nhà nước" - PGS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk), trong những năm qua, cùng với việc Quốc hội ban hành nhiều luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội cũng phê chuẩn nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây là những dấu ấn quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội. Bởi để đất nước vận hành tốt trước hết cần có một nền tảng pháp luật hoàn chỉnh, khoa học, phù hợp với thời đại và nền văn minh của thế giới làm hành lang và điểm tựa pháp lý cho mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk
Còn theo ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Quốc phòng và An ninh, hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn. Quốc hội đã rất quyết liệt đối với một số dự án luật chưa bảo đảm chất lượng. Đây chính là sự trưởng thành từng bước của Quốc hội, xuất phát từ sự trưởng thành của các đại biểu Quốc hội.
"Công tác lập pháp của Quốc hội dần đi tới chuyên nghiệp, dân chủ, thẳng thắn thảo luận theo hướng đa chiều. Bản lĩnh, kiến thức cũng như cách tiếp cận của đại biểu được nâng lên. Kết quả làm luật thể hiện tính kiên quyết của Quốc hội là vì dân, vì nước" - ông Nguyễn Mai Bộ nói.
Lập pháp là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội Việt Nam, bên cạnh chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Công tác lập pháp của Quốc hội 75 năm qua đã thu được những thành quả quan trọng, không chỉ làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ hóa, đầy đủ hơn mà còn góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
Đỗ Minh/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/cong-tac-lap-phap-cua-quoc-hoi-dan-di-toi-chuyen-nghiep-dan-chu-828988.vov