Cứ đến ngày 14-3 là hàng triệu trái tim người Việt Nam lại thổn thức, tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại đảo đá Gạc Ma để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Ngày 13-3, đoàn cán bộ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, do ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - dẫn đầu đã tổ chức lễ dâng hương hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) để tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma.
Cảm nhận "hơi thở" các anh
Đoàn đã cùng nhau tưởng nhớ lại thời điểm cách đây 33 năm, ngày 14-3-1988, thời điểm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang xây dựng đảo đá Gạc Ma thì quân địch tấn công khiến 3 tàu vận tải cùng 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh khi quyết giữ đảo.
Những năm qua, khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương.
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma
Ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết: "Từ sáng sớm, ban quản lý chuẩn bị 64 bộ hương đèn cùng mâm cỗ lớn để ghi nhớ ngày 64 anh hùng, liệt sĩ ngã xuống. So với mọi năm, năm nay chúng tôi có sự chuẩn bị chu đáo hơn để đón người dân cả nước. Tại văn phòng, ban quản lý bố trí thêm phục vụ nước giải khát, bánh trái, đồ lưu niệm là những vỏ sò, ốc gắn liền với Trường Sa. Bên trong khu trưng bày di ảnh, kỷ vật của 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma, ban quản lý đã hệ thống hóa toàn bộ, đánh số hiệu để người dân và du khách dễ dàng tham quan".
Anh Nguyễn Huy Toàn (TP Nha Trang) cho biết dù đã đọc qua báo chí nhiều về sự kiện Gạc Ma cũng như khu tưởng niệm nhưng khi đến tận nơi mới cảm nhận được "hơi thở" các anh, thông qua những kỷ vật được trưng bày tại đây. Đó là bài văn của liệt sĩ Võ Đình Tuấn (Khánh Hòa) về tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố với nét chữ mềm mại, trong trang vở ngả màu nâu. Đó là cảm giác mừng rỡ của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (Thái Bình) khi có giấy triệu tập vào học tại Trường Lục quân 1. Hay đó là tình cảm nồng ấm, yêu thương gia đình của các liệt sĩ trước lúc hy sinh khi họ gửi những bộ quần áo về cho gia đình. Và đến bây giờ, qua 33 năm, gia đình các liệt sĩ lại gửi những bộ quần áo ấy vào Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma này.
Bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh - người đã hy sinh anh dũng cùng tàu HQ 604 trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, cho biết sáng 13-3, bà nhờ người quen chở lên khu tưởng niệm để thắp hương cho chồng và đồng đội. Năm nào mẹ con bà cũng làm giỗ chồng vào ngày 26 tháng giêng (âm lịch) và đến dâng hương vào ngày 13-3 (dương lịch). "Tôi rất vui khi ảnh cưới năm nào của liệt sĩ Doanh được ban quản lý trưng bày rất trân trọng. Đây là thời gian hạnh phúc nhất của chúng tôi. Dù thi hài của anh vẫn nằm lại Gạc Ma nhưng bây giờ chúng tôi coi Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma như mộ của anh. Những kỷ niệm này xin theo anh cùng đồng đội an nghỉ nơi đây" - bà Hà nói.
Bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh và lãnh đạo Tổng liên đoàn LĐLĐ Việt Nam cùng cựu binh Gạc Ma thăm nơi lưu giữ kỷ vật
Có mặt tại buổi dâng hương, cựu binh Lê Văn Thoa (ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; vào ngày 14-3-1988, ông Thoa làm nhiệm vụ chạy máy trên tàu HQ 604) cho biết: "Đồng đội cũ của tôi đã hy sinh mất mát rất nhiều, nhìn khu tưởng niệm như vậy tôi cũng an lòng. Những hình ảnh còn lưu giữ lại khiến tôi rất xúc động, nhớ về đồng đội. Tôi tự hứa hằng năm sẽ đến đây để thắp hương cho đồng đội".
Tìm được di ảnh
Ông Trúc cho biết hiện nay có rất nhiều kỷ vật của các chiến sĩ được gia đình gửi gắm. Đó là bức thư thấm đẫm tình thương gia đình của liệt sĩ Võ Đình Tuấn (Khánh Hòa), tấm bằng tốt nghiệp nhòe hình của liệt sĩ Vũ Văn Thắng (Thái Bình) hay tấm hình đen trắng trong chứng minh nhân dân của liệt sĩ Tống Sĩ Bái… Nơi đây còn lưu giữ cả những kỷ vật của các con tàu đã chìm tại Gạc Ma năm xưa như bánh lái, giày dép, những mảnh súng trường, cuốc xẻng mà các anh hùng, liệt sĩ sử dụng khi bảo vệ Gạc Ma.
Điều đặc biệt nhất, trước đây vẫn còn một trăn trở là liệt sĩ Trần Quốc Trị (Quảng Bình) chưa có di ảnh nên trong nội dung thuyết minh của hướng dẫn viên về khu tưởng niệm luôn có câu kết, rằng ai có thông tin về hình ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, xin vui lòng chia sẻ để anh được sum họp cùng đồng đội của mình. Đến nay, ban quản lý hết sức vui mừng vì di ảnh liệt sĩ Trị đã được PGS-TS Ngô Văn Minh - giảng viên Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng), thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - tìm thấy và bàn giao cho khu tưởng niệm.
Kỷ vật của tàu HQ 604 được lưu giữ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
PGS-TS Ngô Văn Minh trong một lần đến thăm khu tưởng niệm đã hết sức day dứt, vì trong số 64 chiến sĩ lại khuyết đi di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị (sinh năm 1966, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Trong những chuyến giảng dạy tại Quảng Bình, quê hương của liệt sĩ Trần Quốc Trị, PGS-TS Ngô Văn Minh đã gặp gia đình liệt sĩ để tìm hiểu. Cơ duyên đến khi trong một lớp PGS-TS Ngô Văn Minh dạy có học viên là thượng tá Trần Thị Hồng Phượng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Bình. Khi đó, PGS-TS Ngô Văn Minh nghĩ rằng thời điểm liệt sĩ Trần Quốc Trị lên đường bảo vệ Tổ quốc, chắc phải có hồ sơ lưu trữ nên nhờ thượng tá Trần Thị Hồng Phượng sao lục hồ sơ cách đây mấy chục năm về trước.
Quả thật rất tốn công sức, nhưng niềm vui vỡ òa khi hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Trần Quốc Trị đã được tìm thấy, trong đó có bức chân dung với đầy đủ thông tin. Cuối năm 2020, PGS-TS Ngô Văn Minh đưa di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị về xã Đồng Trạch đưa cho ông Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1954, anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị) xem. Khi nhìn bức ảnh, ông Tuấn đã nhận ngay ra người em trai út của mình. Vậy là hơn ba mươi mấy năm, cuối cùng gia đình cũng có được bức ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị.
Cảm xúc Gạc Ma
Ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Những năm qua, khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương. Lật từng trang lưu niệm, chúng tôi thực sự hết sức xúc động về tình cảm người dân dành cho biển đảo quê hương".
Đoàn cán bộ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa thắp hương tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma
Một người ghi tên Hồ Thị Ngọc Phượng (tỉnh Tiền Giang) đến đây và để lại những câu thơ hết sức xúc động: "Đốt nén tâm hương trước linh hồn/ Sáu tư chiến sĩ đã vùi chôn/ Máu đào xương trắng lòng biển lạnh/ Gương sáng muôn đời Tổ quốc tôn". Một người nữa là Lê Văn Hiệp ghi:"Chúng tôi những công dân tỉnh Quảng Ninh kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma đã hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc thiêng liêng Việt Nam".
Có mặt tại buổi dâng hương, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (người phát động chương trình xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma), cho biết dù ông quay lại đây nhiều lần nhưng lần nào cũng trào dâng cảm xúc khó tả. Những hy sinh của các chiến sĩ đánh dấu quyết tâm của quân đội, nhân dân bảo vệ biển đảo quê hương. Nhưng thân xác các anh vẫn nằm lại ở biển khơi. Mong muốn đưa thân xác các anh về với đất mẹ là động lực thôi thúc việc xây dựng khu tưởng niệm. "Tôi mong sao sự hy sinh của các anh được ghi vào sử sách để dạy cho thế hệ trẻ, lớp con cháu tinh thần của quân đội, nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quê hương" - ông Tùng nhắn gửi.
Lãnh đạo Tổng liên đoàn LĐLĐ Việt Nam cùng gia đình liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma thăm nơi lưu giữ kỷ vật
Ông Trần Thanh Hải nói: "Chúng tôi ghi nhận đề nghị của LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa về việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn tôn tạo giá trị khu tưởng niệm, nhất là khi tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giao thêm phần đất nối liền với khu tưởng niệm. Ý tưởng của chúng tôi sẽ xây dựng thêm một Trường Sa thu nhỏ để nhân dân Việt Nam nếu không có điều kiện thăm Trường Sa thì đến đây có thể hình dung một cách đầy đủ hơn về một quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam".
Hơn 220.000 lượt khách tham quan Ông Võ Duy Trúc cho biết từ ngày 16-7-2017 đến cuối tháng 2-2021, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón 2.350 đoàn với hơn 220.000 lượt khách đến viếng. Trong đó, đoàn có số lượng nhiều nhất là 1.030 người của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM); có 19 đơn vị tổ chức lễ kết nạp đảng viên, 112 đoàn tổ chức lễ kết nạp đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 12 trường tổ chức "Hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ" và nhiều đoàn đến sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử. |
Bài và ảnh: KỲ NAM/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/trieu-trai-tim-huong-ve-gac-ma-2021031321241492.htm