Chủ quyền không bao giờ nhân nhượng

Thứ 3, 28.01.2020 | 09:35:00
485 lượt xem

Chủ quyền đất nước là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận nhân nhượng trước bất kỳ thế lực nào.

Đây chính là quan điểm chung được các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đưa ra ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm 2019 khi chủ quyền lãnh hải của đất nước bị xâm phạm. Quan điểm trên cũng đã được hiện thực hóa thành những hành động cụ thể và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.

chu quyen khong bao gio nhan nhuong hinh 1
Ảnh minh họa


Kiên quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc

Tháng 7/2019, Trung Quốc đã điều nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương-8 xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam thuộc khu vực Bãi Tư Chính. Hành vi sai trái này được Trung Quốc lặp lại nhiều lần cho đến khi nhóm tàu Hải Dương-9 của nước này rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính vào tháng 9/2019 trước những phản ứng kiên quyết của Việt Nam.

Trước những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường từ hành vi xâm phạm lãnh hải và chủ quyền của Việt Nam từ phía Trung Quốc, tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74 diễn ra tại New York vào tháng 9/1019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã lần đầu tiên nêu vấn đề Biển Đông và bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982.

chu quyen khong bao gio nhan nhuong hinh 2
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.


Trước những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, ngày 15/10, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn giữ hai nguyên tắc là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nhưng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

“Việt Nam sẽ không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Quan điểm này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Thái Lan hồi tháng 11/2019, trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng”.

Niềm tin mãnh liệt vào tương lai

Những tuyên bố của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cho thấy, Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Điều này là bởi, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ thiêng liêng mà bất kỳ người Việt yêu nước nào cũng sẵn sàng gánh vác dù có phải hy sinh của cải vật chất và thậm chí cả tính mạng của mình.

chu quyen khong bao gio nhan nhuong hinh 3
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc chủ trì phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 21/1.


Chính tinh thần xả thân vì dân tộc ấy đã khiến cái tên Việt Nam được trân trọng nhắc đến trong lịch sử thế giới với những chiến thắng hào hùng từ những Bạch Đằng, Chi Lăng đến Rạch Gầm Xoài Mút và trong thời kỳ hiện đại là những Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đến Mậu Thân 68, “Điện Biên Phủ trên không” và sau đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Lịch sử hào hùng ấy chính là điểm tựa để dân tộc Việt Nam vượt qua muôn trùng gian khó, tự tin bước vào kỷ nguyên hiện đại với niềm tin mãnh liệt vào “Nước Việt Nam từ máu lửa - rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với rất nhiều những thay đổi lớn và những diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, để củng cố sức mạnh dân tộc và đảm bảo chủ quyền bất khả xâm phạm của mình, Việt Nam đã chủ trương chủ động tích cực hội nhập sâu rộng và tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế, các thể chế thương mại trên toàn cầu.

Từ chỗ từng bị bao vây, cấm vận trong quá khứ, Việt Nam giờ đã có tiếng nói, uy tín và vị thế đặc biệt trên các diễn đàn quốc tế. Việc liên tiếp đứng ra tổ chức những sự kiện mang tính quốc tế lớn như APEC 2017 và Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 năm 2019 cho thấy niềm tin rất lớn của cộng đồng quốc tế vào nước chủ nhà Việt Nam.

Niềm tin ấy càng được củng cố vững chắc trong năm 2020 khi Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thời đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. “Trọng trách kép” này đòi hỏi không chỉ uy tín mà còn cả bản lĩnh và sự khôn khéo về ngoại giao, điều mà Việt Nam đã nhiều lần thể hiện trong suốt chiều dài đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Một mùa xuân mới đang đến, với vị thế hiện tại của đất nước cùng những sứ mệnh ngày càng lớn lao mà Việt Nam sẽ phải gánh vác, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, dù tình hình thế giới và trong khu vực có diễn biến phức tạp như thế nào đi chăng nữa, “con tàu Việt Nam” vẫn sẽ luôn vững vàng vượt qua “muôn trùng sóng gió” và độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam sẽ luôn trường tồn cùng dân tộc./.

Trần Khánh/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/chu-quyen-khong-bao-gio-nhan-nhuong-1003078.vov

  • Từ khóa