Hải Phòng yêu cầu người lao động Trung Quốc ở khu riêng biệt; 18 y, bác sĩ ở Hải Dương phải cách ly sau khi tiếp xúc với bệnh nhi nghi mắc bệnh...
Hải Phòng cách ly những người từ Trung Quốc trở lại làm việc
Chiều 28/1, sau khi kiểm tra công tác kiểm soát dịch tại sân bay quốc tế Cát Bi, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND các quận, huyện yêu cầu doanh nghiệp báo cáo hàng ngày việc người Trung Quốc về quê ăn Tết, quay trở lại Hải Phòng làm việc.
Các đơn vị, doanh nghiệp cần hạn chế tối đa lượng người Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Hải Phòng trong thời gian này. Trường hợp cần thiết phải sang làm việc tại Hải Phòng thì doanh nghiệp bố trí sinh hoạt tại khu riêng biệt trong 14 ngày, có sự giám sát sức khỏe của ngành y tế.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu ngành du lịch khuyến cáo khách sạn, nhà hàng hạn chế tiếp khách du lịch đến từ Trung Quốc.
Hiện Hải Phòng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm viêm phổi Vũ Hán. Theo Công an thành phố, từ ngày 15 đến 20/1 hơn 3.000 người Trung Quốc tạm trú và làm việc tại Hải Phòng về quê ăn Tết, trong đó có 23 người quê Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Hết ngày 28/1, số người Trung Quốc về quê ăn Tết chưa trở lại.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kiểm tra vận hành máy đo nhiệt tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Ảnh: HP |
18 nhân viên y tế ở Hải Dương phải cách ly
Ngày 26/1, bệnh nhi 10 tuổi trong đoàn khách Trung Quốc từ Hà Nội đi Quảng Ninh bằng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được đưa vào Trung tâm y tế huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương gần đó cấp cứu với biểu hiện khó thở, niêm mạc nhợt nhạt, da tím tái nhưng không sốt.
Sở Y tế Hải Dương cho biết, bệnh nhân sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi. Đến tối cùng ngày, bệnh nhi được đưa lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị đặc biệt.
Trong khi chờ kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, tỉnh Hải Dương đã cho 18 nhân viên y tế từng tiếp xúc với bệnh nhi người Trung Quốc vào Khoa truyền nhiễm để cách ly, theo dõi sức khỏe.
Nghệ An lập đội phản ứng nhanh
Ba ngày trước Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế Nghệ An) lập các kíp trực 24/24h tại cảng hàng không quốc tế Vinh, Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cảng Cửa Lò để thu thập thông tin liên quan tới dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Máy đo thân nhiệt cũng được lắp tại khu vực cửa khẩu và cảng hàng không. Riêng tại cảng Cửa Lò, khách dùng nhiệt kế kẹp tại chỗ.
Ngày 29/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An lập 4 đội phản ứng nhanh với 30 người để xử lý khi phát hiện trường hợp nghi mắc dịch. Đội 1 cứu tại thành phố Vinh và phía Nam của tỉnh. Đội hai xử lý trên tuyến quốc lộ 1A và phía Bắc. Đội thứ ba làm nhiệm vụ dọc quốc lộ 48 khu vực Tây Bắc với các huyện miền núi như huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quốc Phong. Đội còn lại làm nhiệm vụ trên quốc lộ 7 khu vực Tây Nam với các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn...
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, qua thông tin từ các kíp trực, nếu có bệnh nhân nghi ngờ mắc dịch thì bốn đội này phải có mặt để triển khai giải pháp chữa trị, ngăn ngừa dịch lây lan. Ngoài ra, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập đội phản ứng nhanh, chuẩn bị vật tư sẵn sàng tiếp nhận chữa trị khi có người nghi mắc dịch.
"Tuyến huyện đều đủ khả năng điều trị khi dịch bệnh xảy ra mà không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Trường hợp nếu bệnh nhân nặng thì sẽ tổ chức hội chẩn giữa lạnh đạo Sở, bệnh viện tuyến trên và bệnh viện huyện để chữa trị bệnh nhân tốt nhất", ông Định nói và cho biết hiện Nghệ An chưa ghi nhận trường hợp nào nghi mắc dịch.
Quảng Trị lắp máy đo thân nhiệt tại cửa khẩu quốc tế
Đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế Quảng Trị) đã bố trí hai máy đo thân nhiệt từ xa tại hai cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đăkrông) và Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), cùng hàng chục máy đo thân thiện cầm tay để phát hiện sớm người nghi nhiễm bệnh khi qua cửa khẩu. Trung tâm cử người trực 24/24h tại hai cửa khẩu trên và cảng biển Cửa Việt (huyện Gio Linh) để kiểm dịch y tế.
Ông Nguyễn Cường, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho biết ngày Tết người nhập cảnh ít nhưng không vì thế mà lơ là. Nếu phát hiện hành khách nhập cảnh có các biểu hiện bệnh nghi ngờ nhiễm bệnh như: sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, xuất huyết ở mắt, lưỡi..., trung tâm sẽ cách ly và thực hiện các biện pháp y tế cần thiết.
Quảng Bình dừng tiếp nhận du khách đến từ vùng dịch
Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, cho biết đã chỉ đạo dừng tiếp nhận khách đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch trong 14 ngày. Sở Du lịch và Sở Y tế Quảng Bình, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cuba - Đồng Hới thiết lập đường dây nóng để phản ứng nhanh khi phát hiện người nghi ngờ nhiễm bệnh.
Hàng năm, tỉnh Quảng Bình đón khoảng 300.000 lượt khách quốc tế, trong đó hơn 10.000 lượt khách đến từ Trung Quốc. Hiện, các tour tuyến du lịch ở Quảng Bình đã hoạt động trở lại. Một số tour thám hiểm trong rừng dài ngày, khách tham gia tour yêu cầu không cho phép du khách đến từ vùng dịch tham gia.
"Chúng tôi kiểm tra quá trình di chuyển của du khách. Nếu du khách đi qua vùng dịch hay xuất phát từ vùng dịch trong 14 ngày, chúng tôi đề nghị khách hủy tour", lãnh đạo một đơn vị du lịch cho hay.
Thừa Thiên Huế kích hoạt hệ thống phòng chống dịch
Chiều 26/1, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đã triệu tập cuộc họp với các sở ngành, địa phương nhằm triển khai kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Thọ yêu cầu kích hoạt hệ thống phòng chống dịch, khi cần thiết sẽ áp dụng tình huống khẩn cấp. Sở Y tế phối hợp với đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải tổ chức cách ly, quản lý kịp thời.
Sáng 27/1, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho lắp đặt máy tầm soát thân nhiệt tại sân bay Phú Bài và cảng Chân Mây. Hai đơn vị này đã bố trí phòng cách ly y tế dành cho những hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán. Hiện các điểm tham quan vẫn mở cửa bình thường đối với khách Trung Quốc. Du khách đến Huế lưu trú tại khách sạn sẽ được tầm soát thân nhiệt, trường hợp nhiễm bệnh sẽ đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế.
Quảng Nam lập đường dây nóng
Ngày 29/1, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết đã thiết lập đường dây nóng là số điện thoại của giám đốc, phó giám đốc Sở Y tế, giám đốc các bệnh viện được phân công, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Những lãnh đạo này sẽ tiếp nhận và xử lý các thông tin về dịch bệnh.
Sở Y tế Quảng Nam đã phân công Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Hội An và Trung tâm Y tế Hội An là nơi tiếp nhận và xử lý ban đầu các ca nghi ngờ. Du khách nếu có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sẽ đến các bệnh viện này để được khám xử lý.
Du khách tham quan Hội An đều mang khẩu trang. Ảnh: Đắc Thành |
Ông Văn thông tin thêm, trước đó một nữ tiếp viên hàng không 29 tuổi ở TP HCM đến Thượng Hải (Trung Quốc) trước Tết. Ngày 24/1, chị cùng bố mẹ về quê ở huyện Núi Thành và có triệu chứng sốt, ho, viêm phổi, mệt mỏi. Gia đình mua thuốc tự uống nhưng không đỡ nên đến chiều 26/1 chị này vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam điều trị.
Nghi ngờ bệnh nhân nhiễm virus corona, bệnh viện đã cách ly bệnh nhân và bố mẹ. "Đến sáng nay nữ bệnh nhân đã hạ sốt, sức khỏe tiến triển", ông Văn nói và cho hay vẫn đang cách ly ba người và chờ kết quả xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang.
Rà soát số lao động Việt Nam làm việc ở Trung Quốc
Ngày 28/1, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu các Sở Lao động Thương binh và Xã hội nắm rõ số người lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc, đặc biệt ở vùng công bố có dịch để khuyến cáo tránh đi vào vùng dịch.
Các sở cũng cần rà soát, quản lý số lao động Trung Quốc tại các địa phương, nắm rõ tình hình lao động về quê dịp Tết và trở lại Việt Nam làm việc, phối hợp với ngành y tế cách ly người lao động về nước từ vùng có dịch.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người; tuyên truyền để người lao động thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán nhằm đảm bảo sức khỏe, không để dịch lây lan, hạn chế tử vong.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm nay xác nhận số trường hợp nhiễm viêm phổi do virus nCoV tăng thêm 1.459, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên gần 6.000. Số nạn nhân thiệt mạng vì dịch viêm phổi Vũ Hán lên 132.
Tại Việt Nam, 27 trường hợp nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm. Trong đó, tại miền Bắc có 24 trường hợp, miền Trung và Tây Nguyên không có trường hợp nào, miền Nam có 5. Tất cả bệnh nhân thuộc diện nghi nhiễm nCoV đều được cách ly, điều trị.
Giang Chinh - Võ Thạnh - Đoàn Loan/vnexpress.net
https://vnexpress.net/thoi-su/cac-dia-phuong-doi-pho-voi-dich-viem-phoi-vu-han-4047473.html