Trước sự lúng túng chưa biết đặt tên gì cho Tiểu đoàn bảo vệ cán bộ, Bác nói: "Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt tên là Tiểu đoàn 600, các chú có đồng ý không?".
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta nhất tề nổi dậy, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại trong lịch sử dân tộc, lật đổ xiềng xích thống trị dã man, tàn bạo của chế độ phát xít - thực dân - phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…
Chỉ 21 ngày sau sự kiện trọng đại ấy của đất nước, ngày 23/9/1945, quân đội thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Những cảnh vệ đầu tiên
Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", để giữ vững chính quyền non trẻ, bảo vệ đất nước và bảo toàn lực lượng, cũng như phát triển phong trào cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã đề ra những chủ trương, giải pháp hết sức kịp thời, đúng đắn nhằm hy vọng đẩy lùi, ngăn chặn chiến tranh hoặc hòa hoãn nhằm kéo dài thời gian hòa bình để chúng ta có điều kiện chuẩn bị khi chiến tranh xảy ra.
Sau mọi nỗ lực đàm phán hòa bình với thực dân Pháp không thành, ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với quyết tâm "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Cùng với Lời hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định rời Thủ đô lên ATK Việt Bắc, xây dựng nơi đây thành "Thủ đô kháng chiến", "Cơ quan đầu não" lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực thân Pháp xâm lược lần thứ 2.
Cán bộ chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại chiến khu Việt Bắc năm 1950 (Ảnh: BTL Cảnh vệ).
Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, từ cầm cự chuyển sang phản công.
Bác Hồ cùng Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc căng thẳng, thường xuyên đi kiểm tra tình hình chiến dịch hoặc đến thăm, động viên các đơn vị quân đội, thanh niên xung phong… trong bối cảnh thực dân Pháp điên cuồng, tăng cường mở các cuộc hành quân, cho máy bay oanh tạc tấn công khu căn cứ; cho các toán thám báo, biệt kích xâm nhập vào ATK nhằm ám sát lãnh tụ, tiêu diệt cơ quan đầu não của ta.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn nơi ở cũng như các hoạt động của Bác, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Trung ương quyết định thành lập đại đội Độc lập - đơn vị vũ trang chiến đấu với quân số 80 cán bộ - nhiệm vụ giữ gìn an toàn khu căn cứ địa cùng 2 tiểu đội AD, AT chuyên trách bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cơ quan Trung ương, Chính phủ tại Việt Bắc.
Hai tiểu đội AD, AT với quân số mỗi đơn vị 11 cán bộ chính là tiền thân của Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, cán bộ chiến sĩ 2 tiểu đội AD, AT đã nêu cao tinh thần trách nhiệm "hôm sớm cận kề", chăm sóc, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo trong Trung ương, Chính phủ.
Hai tiểu đội đã chủ động phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị vũ trang, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, đã chiến đấu làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại, ám hại của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cấp cao, cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và khu căn cứ địa Việt Bắc.
Bác Hồ đến thăm và căn dặn cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 600, trước khi về tiếp quản thủ đô năm 1954 (Ảnh: BTL Cảnh vệ).
Kể lại những câu chuyện của các bậc tiền bối, Thượng tá Nguyễn Xuân Ngon (Phó Trung đoàn trưởng) nhắc lại lời dặn dò của Bác Hồ với những cán bộ chiến sĩ của 2 tiểu đội AD, AT.
"Bác Hồ căn dặn: Chuyến đi này rất quan trọng, thời gian không thể định trước nhưng ước chừng trên một tháng. Đường đi khá vất vả, các chú phải cố gắng để làm trọn nhiệm vụ. Phải tuyệt đối giữ bí mật vì nếu lộ ra thì sẽ hại đến việc lớn. Muốn vậy thì việc chọn đường đi đến nơi ăn chốn ở, gặp gỡ giao thiệp với dân, với bộ đội phải biết cách giữ bí mật", Thượng tá Ngon kể.
Không phụ lòng tin của Bác, cán bộ, chiến sĩ 2 Tiểu đội AD và AT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn chuyến đi của Bác; góp phần làm nên thành công của Chiến dịch Biên giới năm 1950, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, tạo ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cái tên "Trung đoàn 600"
Đến đầu năm 1953, công tác bảo vệ ATK và bảo vệ lãnh tụ đã đi vào nề nếp, tạo thành vòng tròn khép kín, chặt chẽ. Tuy nhiên, do sự phát triển lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, yêu cầu công tác bảo vệ khu căn cứ và các lãnh tụ đặt ra hết sức nặng nề.
Trong khi đó, lực lượng làm công tác bảo vệ còn mỏng, rất khó khăn cho việc cơ động bảo vệ các chuyến công tác đường dài, các cuộc hội họp của Trung ương, Chính phủ, công tác phòng chống tập kích, oanh tạc…
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng thống nhất thành lập Tiểu đoàn bảo vệ với quân số tròn 600 cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn kỹ lưỡng và trước đó đều đang giữ chức vụ chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội và thấp nhất là cán bộ tiểu đội.
Trong khi các cán bộ tổ chức đang loay hoay, lúng túng chưa biết đặt tên gì cho Tiểu đoàn thì Bác Hồ biết tin. Bác đến và gặp gỡ hỏi ý kiến từng người. Mỗi người một ý kiến khác nhau.
Cuối cùng, Bác nói: "Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt tên là Tiểu đoàn 600, các chú có đồng ý không?". Mọi người có mặt lúc đó thấy cái tên Bác đặt tuy đơn giản nhưng rất hợp lý, có ý nghĩa và dễ nhớ nên tất cả đều đồng ý.
Kể từ đó, cái tên 600 thiêng liêng gắn bó và trở thành kỷ niệm kỷ niệm đẹp đẽ, niềm tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 600.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chuẩn bị lực lượng bảo vệ Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ về tiếp quản thủ đô.
Tiểu đoàn 600 bảo vệ kỳ họp thứ 3 Quốc hội tại Việt Bắc tháng 12/1953 (Ảnh: BTL Cảnh vệ).
Ngày 20/9/1954, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 35 quyết định phát triển Tiểu đoàn 600 thành Trung đoàn 600.
Ngày 26/11/1984, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 21 thống nhất lực lượng bảo vệ Trung ương, Chính phủ đặt dưới sự chỉ huy quản lý của Bộ Nội vụ. Theo đó, Trung đoàn 600 được chuyển từ Bộ Quốc phòng sang Cục Cảnh vệ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) để phù hợp với yêu cầu công tác cảnh vệ.
Bảy thập kỷ đã trôi qua, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 600 luôn vinh dự và tự hào là đơn vị duy nhất trong lực lượng Công an nhân dân được Bác Hồ đặt tên.
Trung đoàn 600 là đơn vị vũ trang đầu tiên, chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ và các cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1950-1954.
Đến hôm nay, nhiệm vụ đó vẫn tiếp tục được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn thực hiện với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của ngành công an và nhân dân.
Theo dantri.com.vn