Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư có học hàm, học vị cao nhất; từng xuất bản 35 đầu sách. Ông cũng là người duy nhất được Đại hội Đảng quyết nghị để giữ chức Tổng Bí thư đến nhiệm kỳ thứ 3.
Đó là những dấu ấn đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương), chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Liên hệ với ông Nguyễn Đức Hà sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, phóng viên nghe giọng ông nghẹn ngào vì xúc động và phải mất một thời gian, ông mới có thể mở lời chia sẻ về những ấn tượng đặc biệt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Chưa bao giờ thấy Tổng Bí thư to tiếng, nặng lời với ai"
Theo ông Nguyễn Đức Hà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, là hình mẫu tiêu biểu nhất về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Hà cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong số ít Tổng Bí thư xuất bản 35 đầu sách. "Đó là minh chứng cho sự xuất sắc về tư tưởng, bởi 35 đầu sách đó chính là sự cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới", ông Hà nhấn mạnh.
Về đạo đức, ông Hà nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư. "Ông là nhà lãnh đạo có phong cách rất giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, gần gũi với mọi người. Chưa bao giờ tôi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng to tiếng hay nặng lời với ai, ông luôn nhỏ nhẹ nhưng lời nói có sức nặng, đi vào tâm khảm người nghe", ông Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Hà (Ảnh: Báo Giao thông).
Nhắc đến việc Bộ Chính trị vừa trao tặng Huân chương Sao vàng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hà cho rằng phần thưởng cao quý này là hoàn toàn xứng đáng, cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng theo ông Hà, phần thưởng này không chỉ là niềm vinh dự, tự hào riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà là sự vinh dự, tự hào chung của toàn Đảng.
Chia sẻ những điều đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Đức Hà nhắc đến ấn tượng khi từ ngày thành lập Đảng đến nay mới có một Tổng Bí thư mang học hàm, học vị cao nhất là Giáo sư, Tiến sĩ.
Một điều đặc biệt khác, theo ông Hà, từ trước đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đầu tiên và duy nhất mà Đại hội Đảng toàn quốc phải ra quyết nghị để ông tiếp tục làm Tổng Bí thư đến nhiệm kỳ thứ 3, bởi Điều lệ Đảng quy định Tổng Bí thư giữ chức không quá 2 nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Đức Hà cũng chỉ ra điều đặc biệt khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp thứ ba của Việt Nam có giai đoạn vừa là người đứng đầu Đảng, vừa là người đứng đầu Nhà nước. Hai trường hợp còn lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Trong đó, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời giữ hai chức vụ trong thời gian dài, cố Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ có 6-7 tháng giữ chức Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm đồng thời hai trọng trách này trong quá nửa nhiệm kỳ.
Điều đặc biệt nữa, theo ông Nguyễn Đức Hà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ là trường hợp đầu tiên tham gia và là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
"Theo Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư trực tiếp là Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng 2 nhiệm kỳ gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là Bí thư quân ủy Trung ương, vừa là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Đây là việc từ xưa đến nay chưa từng có tiền lệ", ông Hà nhấn mạnh.
Nhân cách lớn của người lãnh đạo bình dị và gần gũi
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Đức Hà nhận định trong gần 3 nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều bài học quý về công tác cán bộ.
"Thời kỳ ông làm Tổng Bí thư, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ra rất nhiều quy định để thể chế hóa về công tác cán bộ, từng bước đưa công tác cán bộ đi vào nề nếp, đúng với định hướng của Đảng cán bộ là then chốt của then chốt", ông Hà nhấn mạnh.
Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Đức Hà cho biết hơn 10 năm nay, kể từ khi kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà trực tiếp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban (2013), thực tiễn cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn với tinh thần không có vùng cấm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng ngày 15/11/2017 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo bài bản, mạnh mẽ, quyết liệt và đem lại hiệu quả thiết thực như những năm gần đây.
"Điều này đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là điều rất quan trọng khi nhân dân vừa tin tưởng, vừa hưởng ứng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, để cuộc đấu tranh này trở thành xu thế không thể đảo ngược", theo ông Hà. Ông nhấn mạnh đó chính là dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho toàn Đảng, toàn dân.
Ông Nguyễn Đức Hà từng có một nhiệm kỳ làm trong Tổ giúp việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ông Hà vì thế có nhiều cơ hội dự họp, gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có khi là do ông xin sang gặp, cũng có khi Tổng Bí thư gọi ông đến trao đổi công việc.
Theo lời ông Hà, những khi ấy, giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với một cán bộ giúp việc như ông dường như không có khoảng cách. Tổng Bí thư rất chân thành, tình cảm và gần gũi.
"Khi tôi vừa đến cửa, Tổng Bí thư đã đứng dậy ra đón, bắt tay tôi thân tình và hỏi han rất gần gũi. Sau một tiếng làm việc, tôi đứng dậy bắt tay Tổng Bí thư xin phép ra về, nhưng rất bất ngờ khi Tổng Bí thư vội đi theo, tiễn tôi ra đến hành lang rồi nhìn tôi xuống cầu thang, sau đó mới quay về phòng", ông Hà nhớ lại.
Chỉ bằng những hành động đơn giản như vậy, song theo ông Hà, cho thấy rõ nhân cách lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được ẩn sâu bên trong hình ảnh một người lãnh đạo bình dị và gần gũi.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương cho hay, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13h38 ngày 19/7, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hưởng thọ 80 tuổi. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có Thông cáo đặc biệt về tổ chức lễ Quốc tang đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Theo dantri.com.vn