Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra bằng trận tấn công đầu tiên vào đồn Mỏ Nhài. Một trong những thành quả quan trọng của cuộc khởi nghĩa là đã hình thành nên lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng. Trong quá trình xây dựng và phát triển của đội quân vũ trang đó, đồng chí Trần Đăng Ninh (1910-1955) – nguyên Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có những đóng góp rất quan trọng.
Đồng chí Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910 tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Quá trình công tác, đồng chí đã có nhiều năm hoạt động trong phong trào công nhân ở Hà Nội. Năm 1939, đồng chí tham gia Thành uỷ Hà Nội, từ giữa năm 1940 đồng chí bắt đầu tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Chiếc bàn đồng chí Trần Đăng Ninh đã đứng diễn thuyết trong cuộc mít tinh tại Trường Vũ Lăng ngày 28/10/1940 trưng bày tại Nhà truyền thống Vũ Lăng.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, trước tình thế Pháp và Nhật câu kết để chiếm lại đồn bốt, đàn áp khủng bố Nhân dân, phong trào cách mạng Bắc Sơn gặp nhiều khó khăn, đồng chí Trần Đăng Ninh được Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về đây trực tiếp chỉ đạo phong trào cùng với Nguyễn Thành Diên (Xứ uỷ viên).
Đầu tháng 10/1940 đồng chí lên đến Bắc Sơn. Ngay sau khi đặt chân tới địa bàn, đồng chí đã nhanh chóng kiểm tra, nắm bắt tình hình, đặc biệt là diễn biến của cuộc khởi nghĩa.
Ngày 14/10/1940, tại Sa Khao, thôn Nam Hương, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương), đồng chí đã triệu tập hội nghị để bàn về các biện pháp giữ vững, phát triển phong trào cách mạng Bắc Sơn. Hội nghị đề ra bốn nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có hai nội dung quan trọng là: thành lập Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng căn cứ du kích. Đồng chí Trần Đăng Ninh đã được hội nghị cử làm Trưởng Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đó.
Ngày 16/10/1940, một cuộc mít tinh với sự tham gia của 100 quần chúng, đảng viên đã được tổ chức tại làng Đon Úy, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương). Thay mặt Ban Chỉ huy, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố Đội du kích Bắc Sơn được thành lập và kêu gọi Nhân dân tích cực ủng hộ du kích, tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa.
Khi mới ra đời, Đội du kích Bắc Sơn chỉ có 20 người gồm các đảng viên, quần chúng hăng hái nhất đã kinh qua khởi nghĩa, vũ khí được trang bị là súng trường, súng kíp, dao quắm, mã tấu... Cơ quan của Ban Chỉ huy đội đặt ở làng Đon Uý. Đây được coi là đội vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Kể từ đó du kích Bắc Sơn đã trở thành nòng cốt của phong trào cách mạng ở địa phương. Bên cạnh việc học tập chính trị, luyện tập chiến thuật du kích, đội đã tiến hành nhiều hoạt động vũ trang như: tấn công bọn tay sai, phản động, tịch thu tài sản của chúng chia cho Nhân dân. Trong đó, có những sự kiện đã tạo được tiếng vang, góp phần nâng cao thanh thế của đội như: tiêu diệt tên Xã đoàn Niên ở Nà Tấu (xã Ngư Viễn); bắn bị thương tên Chánh Hương ở suối Ràng Hoài (thôn Tràng Sơn, xã Vũ Lăng) khi hắn dẫn lính vào đốt nhà, bắt dân ở Mỏ Tát, Bản Me ngày 20/10/1940; ngày 25/10/1940 tấn công toán lính gồm hơn 100 tay súng do Xã đoàn Trịnh Văn Nghiêm chỉ huy khi đang tập trung tại Trường Vũ Lăng chuẩn bị dẫn đường cho giặc Pháp tấn công vào căn cứ du kích khiến chúng phải bỏ chạy… Tiếp đó, Đội du kích quyết định đánh đồn Mỏ Nhài do Booc–đi- ê và quân lính đang đóng giữ để chiếm lại châu lỵ Bắc Sơn.
Sau hai lần tấn công không thành, ngày 28/10/1940, Ban Chỉ huy đội du kích đã tổ chức một cuộc mit tinh ở Trường Vũ Lăng với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hưng Vũ, Bắc Sơn, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Gia Hoà... để nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của du kích và uy hiếp tinh thần kẻ địch. Thay mặt Ban Chỉ huy Đội du kích, đồng chí Trần Đăng Ninh đã đứng lên diễn thuyết vạch trần tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Đồng thời kêu gọi Nhân dân tích cực ủng hộ cách mạng, đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập, tự do cho dân tộc. Do bị bọn tay sai phản động trà trộn vào dự mít tinh và mật báo với Booc-đi-ê nên hắn đã dẫn quân từ đồn Mỏ Nhài tập kích cuộc mít tinh. Tuy nhiên, du kích và quần chúng cách mạng đã kịp thời rút lui an toàn.
Song song với các hoạt động trên đây, đội còn tích cực xây dựng, củng cố căn cứ du kích tại khu vực Nà Tấu (xã Ngư Viễn), Sa Khao, Mỏ Tát, Bản Me, Nam Nhi, xã Vũ Lăng (nay thuộc xã Tân Hương). Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy khu căn cứ gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh (Chỉ huy trưởng), Chu Văn Tấn, Nguyễn Thành Diên, Hà Khai Lạc, Dương Quốc Vinh, căn cứ du kích Bắc Sơn đã được xây dựng và ngày càng phát triển vững chắc, tạo địa bàn đứng chân an toàn cho du kích.
Xuất phát từ tình hình, diễn biến của phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, ngày 29/10/1940 đồng chí Trần Đăng Ninh thay mặt Ban Chỉ đạo triệu tập cuộc họp gồm các đồng chí đảng viên trung kiên ở Nà Pán (xã Vũ Lăng) quán triệt các vấn đề cần kíp rồi trở về Hà Nội. Sau đó, đồng chí Lương Văn Tri và một số đồng chí khác được cử lên Bắc Sơn kế tục nhiệm vụ của đồng chí.
Thời gian đồng chí Trần Đăng Ninh ở Bắc Sơn tuy không lâu nhưng dưới sự chỉ đạo tích cực của đồng chí trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội du kích và căn cứ địa Bắc Sơn, phong trào cách mạng nơi đây đã được duy trì, ngày càng phát triển rộng khắp. Đến cuối tháng 10/1940, quân số du kích đã tăng từ 20 lên tới gần 200 chiến sĩ, biên chế mỗi tiểu đội 10 người. Việc sáng lập, xây dựng Đội du kích Bắc Sơn của đồng chí thời kỳ đầu đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho sự ra đời của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (Cứu quốc quân I) và căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai vào tháng 2/1941.
Ngày nay, tại Bắc Sơn nhiều nơi vẫn còn lưu dấu các hoạt động của đồng chí Trần Đăng Ninh thời kỳ đó. Tiêu biểu là điểm di tích Sa Khao (thôn Nam Hương, xã Tân Hương) - nơi diễn ra cuộc họp ngày 14/10/1940 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Đăng Ninh quyết định thành lập Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng khu căn cứ du kích Bắc Sơn; di tích Trường Vũ Lăng (thôn Tràng Sơn, xã Vũ Lăng) – nơi diễn ra trận tập kích quân lính của Châu đoàn Trịnh Văn Nghiêm ngày 25/10/1940 và cuộc mít tinh ngày 28/10/1940 do đồng chí Trần Đăng Ninh cùng Ban Chỉ đạo khởi nghĩa tổ chức. Hai điểm này nằm trong Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn (gồm 12 điểm) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt ngày 12/12/2016.
Tại một số bảo tàng ở trung ương và địa phương hiện vẫn còn lưu giữ những tài liệu, hiện vật quý liên quan đến quá trình hoạt động của đồng chí Trần Đăng Ninh thời kỳ ở Bắc Sơn. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có một đôi xà cạp du kích thu được tại nhà tên Chánh Hương khi đột nhập vào nhà hắn ngày 23/10 dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Đăng Ninh. Tại di tích Trường Vũ Lăng hiện cũng đang trưng bày chiếc bàn gỗ đồng chí đã đứng diễn thuyết trong cuộc mít tinh tại đây ngày 28/10/1940. Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn có một chiếc đèn pin đồng chí Trần Đăng Ninh đã dùng thời kỳ hoạt động ở Bắc Sơn.
Bên cạnh đó là một số hiện vật Nhân dân Bắc Sơn đã dùng tiếp tế cho Ban Chỉ huy du kích trong đó có đồng chí Trần Đăng Ninh năm 1940… Đó là những di tích, di vật minh chứng cho quá trình hoạt động đầy khó khăn gian khổ và những cống hiến, đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Đăng Ninh sau khởi nghĩa Bắc Sơn, đặc biệt là việc xây dựng đội du kích và căn cứ địa Bắc Sơn những ngày đầu thành lập.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/dong-chi-tran-dang-ninh-voi-cuoc-khoi-nghia-bac-son-5022017.html