Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập: Vững vàng sau “khoảng lặng”

Thứ 3, 26.01.2021 | 15:41:20
1,260 lượt xem

Tháng 5/2015, UBND tỉnh chuyển giao Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Lâm nghiệp Đình Lập (huyện Đình Lập) về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Để có được quyết định này là cả quá trình nghiên cứu, tham mưu của các ngành chuyên môn và sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh. Hơn 5 năm sau chuyển giao, tính đúng đắn của quyết định đã được khẳng định, từ một công ty đang bên bờ vực giải thể, Công ty TNHH MTVLâm nghiệp Đình Lập đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Sớm xuân, vườn ươm tại khuôn viên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập (trước đây là Lâm trường bộ, Lâm trường Đình Lập) rộn tiếng cười vui. Khoảng thời gian cuối năm này là lúc công ty chuẩn bị cây giống cho vụ trồng rừng năm sau, bởi vậy tất cả thành viên của 5 đội sản xuất đều tập trung đông đủ để ươm cây.

Trực tiếp chỉ đạo các đội sản xuất, anh Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc công ty cười tươi rói: Trong giai đoạn 2021 – 2025, công ty đặt mục tiêu sản xuất 5,6 triệu cây giống, cùng với các nguồn giống chất lượng cao từ Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, công ty phấn đấu trồng mới 815 ha rừng. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu để công ty triển khai dự án nhà máy chế biến lâm sản trong tương lai. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các đội sản xuất phải tập trung ươm cây, một là để làm quen với kỹ thuật mới, hai là tạo nguồn giống chủ động tại chỗ.

Nhân viên đội sản xuất Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập ươm giống cây lâm nghiệp, chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm 2021

Cách không xa khu ươm cây, trong hội trường của công ty, Giám đốc Nguyễn Trung Thắng đang say sưa trình bày kế hoạch sản xuất năm 2021 và cả giai đoạn 2021 – 2025 với đoàn công tác của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Không gian ấy khiến tôi chợt nhớ cuộc họp cách đây hơn 5 năm giữa đoàn công tác của tỉnh với ban giám đốc công ty, cũng hội trường này nhưng nội dung cuộc họp lúc ấy không phải bàn phương án sản xuất mà bàn phương án giải thể…

Thời điểm ấy vào trung tuần tháng 4/2015, cuối xuân nhưng thời tiết lúc bấy giờ đã khá oi bức. Cả đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số ngành liên quan cùng ban giám đốc công ty khoảng hơn 10 đại biểu ngồi trong hội trường rộng thênh nhưng ai cũng mướt mồ hôi. Điều hòa gắn trong hội trường thành một dãy nhưng không chiếc nào hoạt động, không phải vì mất điện mà vì lúc bấy giờ công ty đang “ngập” trong nợ, từ nợ lương đến nợ chế độ, chính sách với cán bộ, công nhân hơn 2 năm qua. Bởi vậy kinh phí cho các hoạt động khác cũng cạn kiệt, đến cả tiền điện để bật điều hòa cũng phải chắt chiu.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập bên bờ vực giải thể là điều rất xót xa, không chỉ với người trong cuộc, bởi đây đã từng là lâm trường tiêu biểu hàng đầu của miền Bắc. Lần giở lại lịch sử, Lâm trường Đình Lập được thành lập từ ngày 1/10/1968 (phát triển từ Hạt Lâm nghiệp Đình Lập – thành lập năm 1959), các thế hệ cán bộ, công nhân lâm trường đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp trồng cây, gây rừng và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn với gần 10 nghìn héc ta rừng trồng mới, khai thác trên 1 vạn tấn nhựa thông, cung cấp gần 200 nghìn mét khối gỗ tròn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu… trong chặng đường gần 50 năm phát triển (tính đến thời điểm năm 2015). Lúc cao điểm, cán bộ, công nhân lâm trường lên đến hơn 1.000 người.

Thế nhưng, sự phát triển của bộ máy quản lý ấy, cách thức sản xuất ấy chưa theo kịp được sự phát triển của xã hội, đây là điểm mấu chốt dẫn đến những bất ổn của lâm trường, dù cho đã có sự chuyển đổi từ mô hình lâm trường quốc doanh sang mô hình công ty TNHH MTV. Năm 2013, trong số trên 8,7 nghìn héc ta đất của công ty được tỉnh giao và cho thuê, có tới trên 50% đã bị lấn chiếm, tranh chấp; diện tích rừng theo kiểm kê thực tế chỉ còn lại hơn 2 nghìn héc ta rừng thông so với trên 5,5 nghìn héc ta ghi trong sổ sách; chất lượng rừng rất kém do khai thác nhựa. Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2015, công ty phải nợ lương và chế độ chính sách với cán bộ, công nhân…

Hướng đi nào cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập? Câu hỏi đó không chỉ đau đáu trong mỗi cán bộ, công nhân công ty, không chỉ của các ngành có liên quan mà còn nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo UBND tỉnh. Thế rồi, rất nhiều đường hướng được đưa ra từ cuối năm 2014; những cuộc làm việc, khảo sát, bàn thảo được các ngành tiến hành từ đầu năm 2015… Những bước đi này rất quan trọng, để từ đó hình thành chủ trương: không giải thể công ty mà sẽ chuyển giao.

Trong thời gian đó, qua một số cuộc làm việc với Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và những cuộc bàn thảo kỹ lưỡng, UBND tỉnh quyết định chuyển giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV  Lâm nghiệp Đình Lập về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lúc bây giờ phân tích: Tổng Công ty có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật và hệ thống nhiều công ty con tại các tỉnh thành, đó là điều kiện vực dậy hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình lập phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay…

Ngay sau chuyển giao, đội ngũ cán bộ quản lý công ty được kiện toàn lại, ổn định về bộ máy, tổ chức. Đồng thời, các diện tích đất được giao và cho thuê trước kia cũng được rà soát, lên phương án để quy hoạch lại sản xuất. Đường hướng đặt ra là sản xuất không chỉ đơn thuần trồng và chặt như trước kia mà phải đa dạng hóa, phần kinh doanh cây gỗ lớn, phần hình thành vùng nguyên liệu gắn với chế biến, cùng với đó, phát triển các dịch vụ phục vụ nghề rừng…

Đang điểm lại những dấu mốc quan trọng của công ty qua từng giai đoạn, mạch tư duy của tôi bị cắt ngang bởi tiếng cười của Giám đốc công ty Nguyễn Trung Thắng, anh đã xong cuộc họp. Không cần sổ sách, anh thông tin: Sau khi rà soát, hiện nay, công ty chỉ còn thuê phần diện tích 5,8 nghìn héc ta, số còn lại trả về địa phương để giao cho người dân sản xuất. Trong số diện tích đất được thuê, hiện còn khoảng 1,5 nghìn héc ta đang bị người dân lấn chiếm, tuy nhiên, chúng tôi đã có phương án, kế hoạch để giải quyết vấn đề này, đó là cử cán bộ tuyên truyền vận động người dân cùng liên kết sản xuất với công ty trên diện tích ấy, hướng đi này đang mang lại hiệu quả rất tốt. Tổ chức bộ máy cũng tinh gọn rất nhiều, công ty chỉ còn 40 cán bộ, nhân viên với mức lương bình quân 6,7 đến 6,8 triệu đồng/người/tháng. Khi khối lượng công việc nhiều, công ty sẽ hợp đồng thời vụ với người dân hoặc thực hiện liên kết sản xuất.

Về sản xuất, kinh doanh, hiện nay, công ty đang tập trung chăm sóc, khai thác những diện tích rừng đã có từ trước (trên 2.000 ha), đồng thời, tập trung trồng rừng mới với cơ cấu tập trung vào hình thành vùng cây nguyên liệu và một phần hình thành vùng cây gỗ lớn với các loại giống tuyển chọn để rút ngắn chu kỳ kinh doanh. Với nguồn vốn trên 70 tỷ đồng từ tổng công ty “rót” về, trong 5 năm qua, công ty đã trồng mới trên 760 ha rừng.

Theo Giám đốc Nguyễn Trung Thắng, trong số diện tích trồng mới này, có trên 500 ha bạch đàn, hiện nay trữ lượng trung bình đã đạt khoảng 120 m3/ha và dự kiến sẽ bắt đầu khai thác trong năm 2022. Trước mắt sản lượng khai thác sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến của tổng công ty. Đây là một trong những hướng đi “lấy ngắn, nuôi dài”, lấy bạch đàn có chu kỳ kinh doanh ngắn hơn  để “nuôi” vùng cây gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài như: keo, thông. Về tổng thể, trong tổng số 5,8 nghìn héc ta đất, giai đoạn tiếp theo, công ty dành khoảng 50% diện tích phát triển gỗ lớn, còn lại là phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến tại chỗ. Trong 5 năm qua, doanh thu bình quân của công ty đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm chủ yếu là từ tận thu các diện tích rừng trồng trước đó và kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, với những chiến lược đang triển khai, mức phấn đấu của công ty trong giai đoạn 2021 – 2025 là đạt doanh thu trên 90 tỷ đồng.

Anh Vy Đức Hiệp, Trưởng Phòng Lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập chia sẻ: Tôi đã làm việc ở công ty hơn 20 năm nay, đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng công ty. Nhưng trước kia, ngay cả khi công ty chưa gặp khó khăn, tôi vẫn cứ thấy lo ngại điều gì đó, vì đường hướng phát triển chưa thực sự rõ ràng. Còn giai đoạn hiện nay thì hoàn toàn yên tâm vì định hướng cụ thể và các bước triển khai rất bài bản, những con số phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025 là rất thực tế chứ không phải là “đếm cua trong lỗ”.

Trời đã dần về trưa, ở khu vườn ươm, những thành viên các đội sản xuất đã giải lao, ngẫu hứng đồng ca dăm bài nhạc “đỏ”. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ ấy, tôi hiểu, họ đang rất vững tin. Năm năm, khoảng thời gian không phải là dài, nhưng với chủ trương đúng, quyết định đúng và sắp xếp, cải tổ đúng, từ một công ty bên bờ vực giải thể, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Có lẽ những khó khăn trước kia chỉ là một liều thuốc thử, là một khoảng lặng, để khi vượt qua quãng đó, công ty sẽ có những bước tiến xa hơn, vững vàng hơn, nối tiếp truyền thống vẻ vang một thời của Lâm trường Đình Lập.


VŨ NHƯ PHONG/BAOLANGSON.VN

http://baolangson.vn/kinh-te/339719-cong-ty-tnhh-mot-thanh-vien-lam-nghiep-dinh-lap-vung-vang-sau-khoang-lang.html

  • Từ khóa