Khó trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nhựa thông

Thứ 2, 02.08.2021 | 14:23:27
962 lượt xem

Theo thống kê, diện tích rừng thông tại 2 huyện: Lộc Bình, Đình Lập là trên 90.000 ha; sản lượng nhựa thông khai thác trên địa bàn 2 huyện này hằng năm đạt gần 20.000 tấn. Số lượng các hộ kinh doanh tương đối lớn, tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II cho biết: Trên địa bàn hiện có khoảng 50 hộ hành nghề kinh doanh nhựa thông. Trong đó, phần lớn các hộ đều thu mua và bán lại sản phẩm cho 2 nhà máy chế biến trên địa bàn với khối lượng khoảng 10.000 tấn/năm. Theo quy định, đối với hoạt động kinh doanh nhựa thông, các hộ kinh doanh cần nộp bao gồm thuế thu nhập cá nhân (0,5%) và thuế giá trị gia tăng (1%). Mặc dù vậy, hiện nay, các hộ kinh doanh chưa chấp hành tốt nghĩa vụ thuế.

Chủ kinh doanh tiến hành mua nhựa thông của người dân tại huyện Lộc Bình (Ảnh chụp trước tháng 4/2021)

Theo ghi nhận, giá nhựa thông trong khoảng 2 năm trở lại đây luôn dao động ở mức 20.000 đồng/kg đến hơn 50.000 đồng/kg. Như vậy, tính theo định mức thuế các hộ kinh doanh cần phải nộp thì giá trị trên lên tới vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo thống của Chi cục Thuế khu vực II (phụ trách địa bàn huyện Lộc Bình và huyện Đình Lập), từ đầu năm 2021 đến nay, chi cục mới chỉ tiến hành thu thuế được đối với 5 hộ kinh doanh với tổng số tiền gần 25 triệu đồng (1 hộ tại Lộc Bình và 4 hộ tại Đình Lập).

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nhựa thông, Chi cục Thuế khu vực II đã phối hợp UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách các hộ hành nghề kinh doanh nhựa thông trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn các hộ kinh doanh nhựa thông đều hoạt động theo thời vụ. Anh Bế Văn Bảy, chủ kinh doanh tại xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh nhựa thông đã được khoảng 2 năm. Mỗi năm, chúng tôi chỉ thu mua trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 tháng. Vào những thời điểm bận rộn, vụ mùa thì chúng tôi dừng hoạt động”. Vì lý do trên, số lượng hộ kinh doanh đã thống kê chỉ mang tính tương đối. So với con số đã thống kê, thực tế, số lượng hộ kinh doanh ước tính khoảng 100 hộ.

Từ danh sách thu thập, Chi cục Thuế khu vực II đã nhiều lần gửi giấy mời về UBND các xã, yêu cầu các hộ thực hiện kê khai nộp thuế. Các hộ kinh doanh vẫn không chấp hành. Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, xã có 3 hộ kinh doanh nhựa thông, UBND xã đã phối hợp với cơ quan thuế tổ chức xuống từng hộ để đề nghị các hộ kê khai theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan thuế. Tuy nhiên, các hộ thường tìm cách lẩn tránh lực lượng chức năng.

Ngoài những khó khăn trên, rất nhiều hộ thuộc diện vừa khai thác nhựa thông từ rừng của gia đình vừa mua nhựa thông từ các hộ dân khác. Theo quy định, phần sản phẩm các hộ mua thêm để kinh doanh thuộc diện hàng hóa phát sinh thuế và cần thực hiện nghĩa vụ thuế. Hiện nay, nhiều hộ dù đã hiểu quy định này nhưng vẫn lấy lý do nhựa tự khai thác để tránh nộp thuế. Ông Hoàng Minh Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thuế liên xã, thị trấn huyện Lộc Bình cho biết: Trong quá trình truy thu thuế đối với hoạt động kinh doanh nhựa thông, không ít chủ kinh doanh chưa thống kê cụ thể, chính xác khối lượng sản phẩm được thu mua qua các giao dịch. Họ thường lấy lý do thu gom nhựa thông của bà con, họ hàng để bán hộ. Trong khi đó, việc xác minh nguồn gốc của số sản phẩm trên là rất khó, do hầu hết các giao dịch thu mua giữa chủ kinh doanh và người dân đều không có hóa đơn, chứng từ.

Trước thực tế trên, Chi cục Thuế khu vực II đã triển khai nhiều giải pháp. Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tổ chức các buổi làm việc với đại diện lãnh đạo 2 nhà máy chế biến trên địa bàn, yêu cầu phối hợp để thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh nhựa thông đối với các hộ kinh doanh. Bước đầu, các nhà máy cam kết không thu mua nhựa thông đối với các đơn hàng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, không có giấy tờ xác minh về thuế.

Đối với các hộ kinh doanh theo thời vụ, Chi cục Thuế khu vực II đã yêu cầu các hộ kinh doanh nộp thuế theo số lần phát sinh. Theo đó, các hộ khi tổ chức thu mua nhựa thông từ người dân cần thực hiện kê khai lượng hàng hóa tại cơ quan thuế trước khi thu mua. Tuy nhiên, do hình thức này khá mất thời gian nên các hộ kinh doanh đã đề xuất thực hiện quyền ấn định thuế theo năm. Cụ thể, dựa vào sản lượng nhựa các hộ thu mua và thu nhập của các hộ từ hoạt động kinh doanh nhựa thông, đơn vị thuế sẽ tiến hành thu thuế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch của Chi cục Thuế khu vực II, bước sang tháng 8 năm 2021, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng: quản lý thị trường; kiểm lâm; công an để thành lập đội chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh nhựa thông. Theo đó, đội chống thất thu sẽ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp đến các chủ kinh doanh về quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Đồng thời, thông qua các số liệu của lực lượng kiểm lâm, cơ quan thuế sẽ xác định khối lượng và giá trị nhựa thông người dân khai thác bán cho các chủ kinh doanh. Từ đó, xác định mức thuế chi tiết từng hộ kinh doanh phải nộp.

Hy vọng rằng, với những giải pháp Chi cục Thuế khu vực II đã và đang triển khai, trong thời gian tới, các hộ kinh doanh nhựa thông trên địa bàn 2 huyện: Lộc Bình và Đình Lập sẽ có nhận thức đúng đắn về quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế và nộp thuế đầy đủ. Qua đó, góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước.

GIA KHÁNH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/439006-kho-trong-quan-ly-thue-doi-voi-hoat-dong-kinh-doanh-nhua-thong.html

  • Từ khóa