Sáng 30/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại chính sách cấp cao chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp. Dự hội nghị có đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị, các diễn giả, chuyên gia, đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải như: hiện trạng và triển vọng chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam xanh, phát thải thấp; thách thức đối với chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam phát thải thấp trong bối cảnh quốc tế; hoạt động hỗ trợ của Nhóm Ngân hàng Thế Giới, Công ty Tài chính Quốc tế đối với nông nghiệp Việt Nam; kinh nghiệm của toàn cầu về chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp; điều chỉnh các chương trình và hỗ trợ công theo Chương trình nghị sự “Xanh”; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh – bài học cho phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam…
Bên cạnh đó, đại diện các địa phương dự hội nghị cũng trao đổi, thảo luận kinh nghiệm về một số nội dung phát triển nông nghiệp xanh, ít phát thải, nâng cao hiệu quả, hiệu suất nông nghiệp như: ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong sản xuất các loại cây trồng; chiến lược phát triển nông, lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; quy trình xử lý các phát thải nông nghiệp; phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm…
Hội nghị là hoạt động mở đầu cho chuỗi các sự kiện đối thoại chính sách cấp cao chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp nhằm cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm tốt nhất cho bộ, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để định hướng tầm nhìn cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.
Đối với Lạng Sơn, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Theo đó, tập trung ưu tiên phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực theo hướng an toàn, bền vững.
Kết quả, đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 3.700 ha diện tích cây trồng, 49 lồng cá, 420 đàn ong được cấp chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…); cấp 133 mã số vùng trồng với diện tích 651,539 ha cho thạch đen, na và ớt. Việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc sản. Đồng thời, tạo cơ hội tốt đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu cho nông sản của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị đối thoại, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: Hội nghị đã mở ra những vấn đề mới, mở ra một cánh cửa tri thức mới về phát triển nền nông nghiệp xanh. Đồng thời, nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương cần xác định xanh hóa nền nông nghiệp không phải là gánh nặng mà là cơ hội để hành động ngay. Đồng chí yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch để có lộ trình từng bước chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp, nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến tới đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái.
NGUYỄN PHÚC - HỒ DUNG/baolangson.vn