Làm giàu từ sản xuất cao khô

Thứ 3, 18.01.2022 | 14:21:45
720 lượt xem

Nhờ sự năng động, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, anh Lý Anh Tuấn, sinh năm 1989, ở thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan đã phát triển thành công mô hình kinh tế từ nghề làm cao khô truyền thống, giúp gia đình có thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất cao khô của gia đình anh Tuấn trong lúc các thành viên của gia đình đang tất bật các công đoạn làm cao khô. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn cho biết: Gia đình tôi có truyền thống làm nghề cao khô nhưng trước kia chỉ làm thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập không cao. Do vậy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và quảng bá sản phẩm cao khô ra thị trường bên ngoài để tăng thu nhập.

Anh Tuấn thực hiện công đoạn phơi cao khô

Năm 2013, với số vốn tích lũy được, gia đình anh vay thêm 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá gần 300 triệu đồng. Việc đưa máy móc vào sản xuất đã giúp gia đình anh giảm chi phí sản xuất và sức lao động. Nếu như trước đây, mỗi ngày, gia đình anh chỉ làm được khoảng 30 kg gạo thì bây giờ đã làm được 200 – 300 kg gạo, tương ứng với trên 800 đến 1.000 bó cao thành phẩm, với giá bán từ 4 nghìn đồng đến 7 nghìn đồng/bó.

Theo anh Tuấn, để làm ra cao khô thành phẩm phải qua nhiều công đoạn kỳ công. Đầu tiên phải chọn được gạo bao thai ngon, tiếp đến là các công đoạn nghiền bột, tráng bánh, phơi ròng 3 tiếng rồi ngâm trong nước sạch, sau đó thái mỏng thành sợi, phơi khô, cuối cùng mới bó thành bó cao khô thành phẩm. Sau một thời gian mở rộng thị trường, cao khô của gia đình anh Tuấn được nhiều khách hàng biết đến, không chỉ tiêu thụ ở trong xã mà còn được bán buôn, bán lẻ sang các tỉnh, thành khác như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh… Thị trường và số lượng tiêu thụ tăng nên hiện gia đình anh tạo việc làm cho 3 đến 5 lao động là những người trong xã.

Là một trong những hộ đầu tiên tại xã sử dụng máy để sản xuất cao khô, gia đình anh Tuấn còn nhận nghiền bột, tráng bánh, cắt bánh cho các hộ cùng sản xuất cao khô trên địa bàn xã. Nhờ sự mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, nghề làm cao khô truyền thống giúp gia đình anh có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ muốn phát triển kinh tế từ nghề làm cao khô. Năm 2020, anh cùng 15 thành viên khác thành lập Hợp tác xã Cao khô Chợ Bãi. Từ đó, anh cùng các thành viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cao khô, tìm thị trường tiêu thụ, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Năm 2020, sản phẩm cao khô của hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Ông Hoàng Quốc Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phúc cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, đặc biệt là tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Với sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân, anh Tuấn đã thành công trong phát triển kinh tế nhờ nghề làm cao khô, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất cao khô Chợ Bãi.

Với những cố gắng đó, năm 2021, anh Tuấn được Hội Nông dân huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.


HIỂU LAM/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/475733-lam-giau-tu-san-xuat-cao-kho.html

  • Từ khóa