Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, toàn bộ 4 nhóm chỉ số hàng hóa đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh khi kết thúc phiên 18/1, giúp MXV-Index tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 0,45% lên 2.443,51 điểm.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, toàn bộ 4 nhóm chỉ số hàng hóa đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh khi kết thúc phiên 18/1, giúp MXV-Index tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 0,45% lên 2.443,51 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn Sở quay trở lại mức bình thường khi các mặt hàng nông sản trên Sở Giao dịch Chicago (CBOT) hoạt động trở lại, đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Giá trị nhóm năng lượng cũng tăng vọt gấp đôi khi giá dầu thô vượt lên mức đỉnh của năm 2021.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau ngày Kỷ niệm sinh nhật Martin Luther King, các mặt hàng nông sản biến động trái chiều với các mức tăng giảm khá lớn ở một số mặt hàng như lúa mì và khô đậu.
Đậu tương và khô đậu đồng loạt gapdown ngay sau khi mở cửa và duy trì trạng thái đi ngang, trước khi sụt giảm khá mạnh vào cuối phiên sáng về các mức hỗ trợ quan trọng. Sang đến phiên tối, đơn hàng lớn gần 240.000 tấn cho Mexico được các nhà xuất khẩu tư nhân báo cáo lên Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã giúp giá đậu tương phục hồi lại gần sát mức giá tham chiếu, trước khi bị lực bán kỹ thuật ở đây đẩy ngược trở lại.
Mặc dù được hỗ trợ bởi các số liệu bán hàng tích cực trong báo cáo Export Inspections, khi giao hàng đã tăng gấp đôi so với tuần trước lên 1,72 triệu tấn, và ép dầu đậu tương tháng 12 tăng 4% so với tháng 11, lên mức 186,4 triệu giạ, tuy nhiên thời tiết được dự báo sẽ khá thuận lợi cho đậu tương trong nửa cuối tháng 1 ở Nam Mỹ vẫn khiến giá mặt hàng này giảm nhẹ 0,62% về 1.361,25 cents/giạ.
Giá dầu thô tăng vọt trong phiên hôm qua và vượt qua mức đỉnh của 2021, khi mà OPEC giữ nguyên triển vọng nhu cầu dầu thô của toàn cầu, trong bối cảnh lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do các cuộc xung đột nghiêm trọng ở Trung Đông và khu vực biển Đen. Đà tăng mạnh của dầu thô giúp cho giá dầu đậu tương cũng tăng hơn 1% lên mức 59,08 cent/pound và qua đó, gây áp lực trái chiều lên khô đậu.
Áp lực bán từ các lệnh dừng lỗ sau khi giá khô đậu giảm xuống dưới mức hỗ trợ tâm lý 400 USD, cũng góp phần khiến giá giảm mạnh gần 4% trong phiên hôm qua, về mức 390,1 USD/tấn.
Tình hình căng thẳng ở biển Đen, cụ thể là giữa Nga với Ukraine, đã khiến cho giá lúa mì Mỹ tăng vọt gần 4% trong tối qua, bất chấp việc đồng Dollar đang phục hồi mạnh. Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc trong năm 2021 tăng 17% lên mức kỷ lục 9,77 triệu tấn cũng góp phần cho mức tăng trên.
Đối với ngô, mặc dù mặt hàng này có gapdown ngay đầu phiên giống với đậu tương, nhưng đà tăng mạnh của lúa mì trong phiên tối đã kéo theo sự phục hồi của giá ngô. Giao hàng ngô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/1 đạt 1,2 triệu tấn, cao hơn mức dự đoán. Bên cạnh đấy, nhập khẩu ngô Trung Quốc trong năm 2021 đạt mức kỷ lục 28,35 triệu tấn, tăng hơn 150% so với năm 2020, cung là yếu tố hỗ trợ tích cực đến giá.
Trên thị trường nội địa, giá nông sản biến động thời gian qua cũng tác động phần nào đến giá heo hơi. Cụ thể, giá heo hơi duy trì đà tăng trên cả ba miền trong hôm nay, cao nhất tại miền bắc ghi nhận 58.000 đồng/kg ở Hưng Yên, trong khi Hà Nội khoảng 53.000 đồng/kg. Ở miền Trung Tây Nguyên tăng 1.000-4.000 đồng/kg, cao nhất đạt 54.000 ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận. Miền Nam ghi nhận 56.000 đồng/kg ở khu vực Đồng Nai, còn TP Hồ Chí Minh khoảng 50.000 đồng/kg.
THƯƠNG MAI/nhandan.vn