Thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Để chuẩn bị cho quá trình CĐS, những năm qua, ngành TN&MT đã chủ động ứng dụng CNTT trong các hoạt động. Hiện nay, trên 90% các văn bản của ngành đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản điều hành kết hợp chữ ký số; cung cấp 41/98 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 150% kế hoạch đề ra) và 32/98 DVC mức độ 4, đạt 130% so với kế hoạch; cán bộ, nhân viên trong ngành đều đã được tập huấn ứng dụng CNTT và có trình độ CNTT cơ bản, đáp ứng yêu cầu công tác…
Cán bộ Phòng TN&MT huyện Cao Lộc giải quyết TTHC cho người dân tại bộ phận một cửa
Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm CNTT, Sở TN&MT cho biết: Từ nền tảng về CNTT đã xây dựng được trong những năm qua, chúng tôi đã, đang tham mưu thực hiện các dự án, chương trình CĐS trong ngành TN&MT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực được phân công. Trong đó, nổi bật nhất trong năm 2021 và đầu năm 2022 là đã xây dựng và đưa vào sử dụng 2 phần mềm: hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, khoáng sản tỉnh Lạng Sơn và Cổng thông tin khai thác dữ liệu đất đai. Chúng tôi cũng đã triển khai tập huấn sử dụng 2 phần mềm này cho cán bộ, chuyên viên phòng TN&MT của các huyện, thành phố.
Được biết, 2 phần mềm trên chỉ là một phần trong những nội dung cơ bản của chương trình CĐS mà ngành TN&MT tỉnh đã thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Để hiện thực hoá từng mục tiêu, Sở TN&MT đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-STNMT ngày 30/6/2021 về Thực hiện chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, định hướng đến năm 2025, ngành TN&MT tiếp tục triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; duy trì 100% văn bản được xử lý trên môi trường mạng (trừ các văn bản mật); 60% thiết bị quan trắc tự động, liên tục các thành phần môi trường sử dụng công nghệ số, trong đó, 50% tích hợp giải pháp thông minh sử dụng công nghệ kết nối Internet vạn vật (IoT)…
Ngay sau khi Kế hoạch được ban hành, Sở TN&MT đã tập trung triển khai các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới 100% cán bộ, chuyên viên các phòng, ban, đơn vị và Phòng TN&MT các huyện, thành phố về lợi ích của CĐS; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; tìm hiểu để định hướng phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học, các công nghệ tự động hóa, số hóa, mô hình hóa trong thu nhận dữ liệu, điều tra, quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo TN&MT. Cùng đó, từ tháng 11/2021 đến nay, đơn vị đã tổ chức 2 cuộc tập huấn cho trên 50 lượt cán bộ, nhân viên các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở và phòng TN&MT các huyện, thành phố về cách sử dụng, khai thác hiệu quả các phần mềm, ứng dụng mới…
Bà Đỗ Thị Hiền, Trưởng Phòng TN&MT huyện Cao Lộc cho biết: Sau khi các phần mềm được đưa vào sử dụng, tháng 11/2021 và tháng 1/2022, sở đã triển khai tập huấn sử dụng cho cán bộ các phòng, ban và các huyện, thành phố. Chúng tôi nhận thức rõ rằng phần mềm càng hiện đại thì càng cần cán bộ có trình độ, chuyên môn và kỹ năng sử dụng CNTT thành thạo. Do đó, chúng tôi đều rất tập trung, và sau mỗi buổi tập huấn, đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, yêu cầu cán bộ, nhân viên tiếp tục học tập và mở rộng thêm kiến thức để kịp thời đáp ứng yêu cầu về trình độ phục vụ cho CĐS của ngành.
Để tiếp tục đẩy mạnh CĐS, trong năm 2022, ngành TN&MT phấn đấu thực hiện 100% các văn bản hồ sơ công việc, tổng hợp, báo cáo (trừ văn bản mật) trên môi trường mạng; triển khai và đưa vào hoạt động các phần mềm tự động hóa thu nhận dữ liệu quan trắc TN&MT trên nền tảng IoT; hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành về TN&MT của tỉnh trên cơ sở chia sẻ dữ liệu thống nhất, tích hợp, kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các DVC mức độ 3, 4, định hướng đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100%…
Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các phòng TN&MT huyện, thành phố tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định đảm bảo điều kiện cho CĐS. Đồng thời, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng cán bộ gắn với từng chỉ tiêu cụ thể để đo lường hiệu quả công việc. Đặc biệt, quan tâm đào tạo nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
ĐẶNG DŨNG/baolangson.vn