Hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022. Riêng 10 ngày cuối cùng năm 2022, đã có hơn 170.000 tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân cho vay.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - mức tăng lớn nhất 5 năm trở lại đây. Như vậy, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng.
Trước đó, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày cuối cùng của năm 2022, đã có hơn 170.000 tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân cho vay, tương đương mức tăng trưởng tín dụng 1,63%.
Trong năm 2022, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ngay từ nửa đầu năm, dẫn đến tình trạng nhiều nhà băng sớm chạm trần room (hạn mức) tín dụng được cấp. Nhiều nhà băng, doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị nới room tín dụng để có thêm dư địa cho vay. Phải tới đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp thêm room giúp việc vay vốn trở nên dễ thở hơn, dù không phải ngân hàng nào cũng "có phần".
Trong khi tín dụng cả năm tăng mạnh, các ngân hàng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi, bất chấp lãi suất huy động liên tục tăng cao, có thời điểm mức lãi suất phổ biến kỳ hạn 12 tháng lên tới 9-10%/năm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính tới ngày 21/12, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng hiện đã vượt số dư tiền gửi từ dân cư. Lần gần nhất huy động tiền gửi thấp hơn tín dụng là vào năm 2012 - tức cách đây một thập kỷ.
Lần gần nhất huy động tiền gửi thấp hơn tín dụng là vào năm 2012 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ chậm lại, trong khoảng 11-12%. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng. Áp lực lạm phát cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại. Ngoài ra, căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng sẽ làm tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng sớm, ngay từ đầu năm để các ngân hàng xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm.
Mức room tín dụng cụ thể sẽ do Ngân hàng Nhà nước xem xét các yếu tố hiện hữu để cân đối, tính toán mức hợp lý. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký VNBA, các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt... có thể sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.