Thời điểm này, các hộ trồng na trên địa bàn tỉnh đang tất bật với việc cắt tỉa cành, bón phân, chăm sóc vườn na, chuẩn bị cho vụ mới. Đây là thời điểm quan trọng nhất trong chu trình chăm sóc cây na sau thời gian thu hoạch, cây nghỉ đông, nhằm phục hồi, nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu quả trong mùa vụ tiếp theo.
Chi Lăng là huyện có diện tích trồng na lớn nhất toàn tỉnh. Thời điểm này, những người trồng na tại đây đã bắt tay vào chăm sóc na sau thu hoạch. Anh Hoàng Văn Phong, khu Hợp Tiến, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Gia đình tôi hiện có trên 400 gốc na, chủ yếu là na dai. Vụ na năm 2022, gia đình tôi thu hoạch được trên 4 tấn quả. Để phục hồi lại cây, chuẩn bị cho vụ na tới, ngay sau rằm tháng Giêng, gia đình tôi đã tiến hành cắt tỉa cành na già cỗi để tạo tán mới, từ đó giúp cây phát triển tốt, khỏe mạnh; cùng đó, tiến hành dọn cỏ, tranh thủ thời tiết mưa ẩm bón phân bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi bón phân 3 lần vào các tháng: 2, 4 và 5 (âm lịch). Việc tập trung chăm sóc cây na ở thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định giúp cho năng suất và chất lượng quả cao hơn.
Người dân huyện Chi Lăng thực hiện công đoạn cắt tỉa cành na
Được biết, từ sau rằm tháng Giêng hằng năm là thời điểm người dân trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng bắt đầu thực hiện các biện pháp chăm sóc cây na sau thu hoạch, nghỉ đông. Việc chăm sóc cây na vào thời điểm này nhằm giúp cho cây phục hồi, phát triển tốt và đảm bảo chất lượng cho vụ mùa tiếp theo. Theo số liệu thống kê, toàn huyện Chi Lăng có trên 2.300 ha na, trong đó, trên 700 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Cây na hiện đã qua thời gian thu hoạch và nghỉ đông nên việc chăm sóc rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng quả trong vụ sau. Chính vì vậy, phòng đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ người dân tiếp cận các kỹ thuật chăm sóc cây. Theo đó, trung bình mỗi năm, phòng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức trên 100 lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả các loại (trong đó có cây na) cho khoảng 5.000 lượt người tham gia. Hiện nay, phòng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức nâng cao cho người dân trong việc trồng và chăm sóc na, đặc biệt là quá trình chăm sóc cây sau thu hoạch.
Tương tự như huyện Chi Lăng, thời điểm này, người dân trồng na trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng đang tích cực chăm sóc, phục hồi lại cây chuẩn bị cho vụ na mới. Toàn huyện hiện có 1.660 ha, trong đó có gần 400 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP.
Ông Nguyễn Văn Thản, thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi có khoảng 1.000 gốc na. Sau thời gian cây na cho thu hoạch và nghỉ đông, hiện gia đình đang tập trung các công đoạn chăm sóc, phục hồi lại cây. Ngay từ tháng Giêng, gia đình đã cắt tỉa cành, tạo tán cho cây. Việc cắt tỉa cành cần phù hợp với tuổi của cây và sử dụng dụng cụ chuyên cắt tỉa như: kéo, cưa cắt chuyên dụng, dao sắc để tránh gây tổn thương cho cây. Đối với những cây yếu, già cỗi, chúng tôi cắt tỉa cành cách gốc từ 80 đến 100 cm. Đối với cây đang trong thời kỳ phát triển mạnh cần phải tỉa hết các cành nhỏ, chỉ để lại các cành to bằng ngón tay trở lên. Sau khi cắt tỉa cành, gia đình tiến hành bón phân (chủ yếu phân hữu cơ và phân chuồng ủ hoai mục) để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, gia đình tôi tiến hành dọn cỏ, vun xới đất, lên luống đối với diện tích na trồng bãi bằng để tránh ngập úng vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây.
Ngoài hai huyện trên, người dân trồng na trên địa bàn tỉnh đều đang tập trung chăm sóc, chuẩn bị mùa vụ na mới. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 4.321 ha na, phân bố chủ yếu tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng.
Cùng với sự chủ động của người dân, các cơ quan chức năng và chính quyền các xã cũng quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc na trước và sau thu hoạch. Trong đó, đặc biệt quan tâm hướng dẫn bà con phát triển trồng na theo hướng VietGAP, GlobalGAP để nâng cao năng suất, chất lượng quả na.
Bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sau thời kỳ mang quả, cây na thường bị suy yếu nên cần được chăm sóc đúng cách để mau hồi phục, chuẩn bị cho vụ tiếp theo đạt kết quả tốt. Để người dân trồng na có thêm kiến thức và kỹ năng chăm sóc, hằng năm, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng… đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mở rộng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập huấn cho người dân về quy trình trồng và chăm sóc, thu hoạch và bảo quản na; hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây na. Đặc biệt trong các buổi tập huấn, Chi cục chú trọng lồng ghép thêm các nội dung về quy trình chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho người dân.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành cùng với sự tiếp thu, ham học hỏi của người dân, tin tưởng rằng chất lượng, mẫu mã của sản phẩm na của Xứ Lạng tiếp tục được nâng cao, người tiêu dùng ưa chuộng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/567427-nong-dan-tich-cuc-cham-soc-na-truoc-vu-moi.html