Là một trong những trọng tâm hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore, mô hình khu công nghiệp-đô thị và dịch vụ tại Bình Dương đã và đang trở thành mô hình hiệu quả trong thu hút đầu tư. Mô hình này hiện lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Một góc khu công nghiệp-đô thị và dịch vụ Mỹ Phước tại thị xã Bến Cát (Bình Dương) do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư.
Mô hình cũng giúp người dân địa phương có thể “ly nông bất ly hương”, chuyển đổi nghề nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang hoạt động thương mại và dịch vụ, hướng đến mục tiêu cao nhất là tất cả đối tượng đều được thụ hưởng thành quả chung của sự phát triển.
Nhân rộng mô hình
Cuối tháng 3/2023, tại Bình Dương diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP Group) với đại diện lãnh đạo chín tỉnh bao gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình và Nam Ðịnh.
Theo nội dung ký kết, VSIP Group và các tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi cho các khu công nghiệp, trung tâm đô thị và dịch vụ. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh thông qua hoạt động sản xuất sản phẩm giá trị cao, tạo việc làm và phát triển các khu đô thị mới, hỗ trợ chất lượng sống cho cộng đồng.
Từ một dự án ban đầu tại Bình Dương hình thành từ năm 1996, hoàn thiện vào năm 1997 có quy mô 500 ha, VSIP đã phát triển thành chuỗi 13 dự án khu công nghiệp-đô thị và dịch vụ với diện tích hơn 11 nghìn héc-ta tại chín địa phương, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nhiều nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước với kết cấu hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực cho các nhà đầu tư trong khu vực.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đã gặp được các đối tác tầm cỡ, có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án, cũng như thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu; từ đó, hình thành và xây dựng mô hình phát triển công nghiệp-đô thị-dịch vụ có sự tinh chỉnh phù hợp với đặc thù của địa phương, là kim chỉ nam xuyên suốt sự phát triển của tỉnh qua các nhiệm kỳ.
Ðây là mô hình phát triển toàn diện, xây dựng tổ hợp các khu công nghiệp, đan xen với hệ thống đô thị, bao gồm đầy đủ các cấu phần về đô thị, nhà ở xã hội và khu tái định cư, không gian xanh… trên nền tảng hệ thống giao thông bài bản, đồng bộ gắn với mô hình TOD, kết nối nội khu, liên huyện, liên vùng, cùng với hệ thống giáo dục, y tế chất lượng cao, khắc phục được những hạn chế của việc phát triển khu công nghiệp theo kiểu cũ.
Một góc khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 2 tại Bình Dương. |
Gắn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, hiện tỉnh Bình Dương đã phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, với cơ cấu công nghiệp-thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 97%, thu hút đầu tư trong và ngoài nước luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của vùng và cả nước. Toàn tỉnh có 62.603 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 672 nghìn tỷ đồng và 4.121 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 40 tỷ USD.
Hiện nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích đất gần 13.000 ha; trong đó, có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.963 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 91%. Các khu công nghiệp này thu hút 3.046 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.366 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 28,6 tỷ USD và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 91.364 tỷ đồng.
Nổi bật, các khu công nghiệp-đô thị và dịch vụ Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và Bàu Bàng do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư, cùng các khu công nghiệp VSIP do VSIP Group triển khai luôn đi đầu trong thu hút đầu tư. Cụ thể, tại VSIP 3 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tuy mới khởi công vào tháng 3/2022 nhưng đã thu hút nhiều dự án lớn, trong đó có Tập đoàn LEGO (Ðan Mạch) đầu tư 1,3 tỷ USD sản xuất đồ chơi, Tập đoàn Pandora (Ðan Mạch) đầu tư hơn 100 triệu USD chế tác đồ trang sức...
Dự sự kiện Bình Dương: Khởi động-Kết nối-Phát triển vào cuối tháng 3 vừa qua, chứng kiến VSIP Group ký kết Nghiên cứu-Hợp tác-Phát triển công nghiệp với chín địa phương, UBND tỉnh Bình Dương ký kết với các đối tác, Tổng công ty Becamex IDC ký kết với các tập đoàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, Bình Dương đã thành công với mô hình công nghiệp-đô thị và dịch vụ, nhưng tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển khu công nghiệp theo hướng thông minh, xanh, gắn liền với khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với những cam kết nghiên cứu hợp tác phát triển giữa VSIP Group với các địa phương và những bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ là những bệ phóng mới để Bình Dương, doanh nghiệp nói chung có thể vươn lên một nấc phát triển mới. Ðây cũng là kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương nhằm tìm kiếm động lực phát triển mới cho quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường hội nhập quốc tế.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/mo-hinh-khu-cong-nghiep-do-thi-va-dich-vu-post763079.html