Sáng 22/2, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030. Đồng chí Trần Hồng Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự, chỉ đạo hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND các huyện Hữu Lũng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
Trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó, đã hoàn thành 71 dự án với 37.868 căn; khởi công xây dựng 127 dự án, quy mô 107.896 căn và chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô 265.486 căn.
Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.031 ha so với năm 2020.
Về thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, cả nước hiện có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn trên 27.900 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng…
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án như: có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; rút ngắn trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận vốn vay ưu đãi…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là nhiệm vụ chính trị cấp bách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Để thực hiện thắng lợi đề án, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại đề án. Theo đó, mục tiêu trong năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Các bộ, ngành cần tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; phối hợp tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch… Các địa phương cần khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội;… đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.
Tại tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết năm 2023, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội số 2, thành phố Lạng Sơn đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 212 căn, đủ điều kiện mở bán 636 căn. Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo Đề án 338 của Chính phủ giao cho Lạng Sơn) đến năm 2030 là 3.000 căn, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 là 1.500 căn và giai đoạn 2025 – 2030 là 1.500 căn. |
Theo baolangson.vn