Giải pháp để doanh nghiệp “khỏe” trước đại dịch Covid-19

Thứ 7, 15.02.2020 | 08:46:19
608 lượt xem

Bên cạnh giải pháp trước mắt, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ dài hơi để ổn định sản xuất, tránh bị động khi bất ngờ có thiên tai, dịch bệnh.

Như báo điện tử VOV đã đề cập, hiện nay, các doanh nghiệp tại TP.HCM đang gặp khó khăn khi nguồn nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản xuất nhập về từ Trung Quốc bị gián đoạn. Bởi vậy, bên cạnh giải pháp trước mắt thì vấn đề lâu dài mà doanh nghiệp cần là những chính sách hỗ trợ dài hơi để ổn định sản xuất, tránh bị động khi bất ngờ có thiên tai, dịch bệnh. 

Là doanh nghiệp nhập nguồn nguyên liệu bằng đường hàng không từ Trung Quốc về TP.HCM để phục vụ sản xuất máy may xuất khẩu, nên khi các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc bị tạm dừng khai thác vì Covid-19 thì Công ty Juki Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Để tìm nguồn cung cấp nguyên liệu mới thì cần phải có thời gian thử nghiệm, đánh giá kết quả rồi mới đưa vào sản xuất. Cho nên, giải pháp trước mắt đối với doanh nghiệp là phải đề nghị công ty mẹ ở nước thứ 3 nhập khẩu từ Trung Quốc, khử trùng rồi chuyển về Việt Nam.

giai phap de doanh nghiep
Máy móc của Công ty Nhựa Duy Tân ở TPHCM vẫn hoạt động bình thường bằng nguyên liệu dự trữ.

“Tình hình đường hàng không ách tắc như vậy, nhà nước cần có biện pháp giải quyết chỗ đó. Thí dụ như là có thể khử trùng khử độc khi linh kiện nhập từ Trung Quốc qua. Khi đó chúng ta khử độc được thì có thể linh động giải quyết nhập linh kiện về. Đương nhiên ưu tiên về y tế là quan trọng nhất”, ông Đào Quốc Cường, Giám đốc Thường trực Công ty TNHH Yuki Việt Nam đề nghị.

Với tình hình hạn chế lưu thông giữa Việt Nam – Trung Quốc hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất nhựa - cao su ở TP.HCM đang vừa sản xuất vừa lo lắng. Sở dĩ còn cầm cự sản xuất được là do phần lớn doanh nghiệp trữ nguyên phụ liệu đến hết tháng 3 tới. Theo Hiệp hội Nhựa - Cao su TP. HCM, với hơn 80% nguồn nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc, trước khó khăn vì dịch bệnh hiện nay thì Hiệp hội đang phải vận động các doanh nghiệp hỗ trợ nhau. Nhưng nếu tình hình kéo dài thì từ tháng 4/2020 trở đi sẽ cực kỳ căng thẳng. 

Trước mắt, Hiệp hội ngành hàng này đang nỗ lực tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ các thị trường khác trong khối ASEAN, Hàn Quốc và đương nhiên là chấp nhận giá thành cao hơn. Còn về lâu dài, mong muốn được vay vốn dài hạn nhiều hơn để có thể trữ nguyên liệu dài hơn 3 tháng. Bởi không đối tác cung ứng nguyên liệu nào có thể thay thế được Trung Quốc về sản lượng và giá cả. 

“Trong tình hình này, hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn. Do đó, đề nghị có hỗ trợ lãi suất hoặc có các gói vay dài hơn để doanh nghiệp có thể trữ hàng dài hơn, bớt đi những thiếu hụt, thiệt hại. Về lâu về dài vẫn lệ thuộc thị trường Trung Quốc chứ khó mà khác được. Bởi vì, sản lượng của họ lớn, giá cả cạnh tranh. Các thị trường khác không thể cạnh trang bằng thị trường Trung Quốc được”, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TP.HCM nói.

giai phap de doanh nghiep
Nhân viên Nhựa Duy Tân điều khiển dây chuyền sản xuất.

Thực tế sản xuất là như vậy, còn ở góc độ nghiên cứu, Tiến sỹ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, dịch bệnh là khó khăn ngắn hạn và dịch bệnh lần này ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực duy trì sản xuất chờ mọi việc ổn định trở lại. Với các hợp đồng giao hàng, đương nhiên có mục chậm thời gian thực hiện trong tình huống bất khả kháng, cho nên doanh nghiệp có thể đàm phán trì hoãn. Doanh nghiệp xác định phải chấp nhận thiệt hại trong đợt dịch bệnh này, bố trí sản xuất cho phù hợp để giữ chân người lao động. 

Còn về lâu dài, theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, mở rộng đối tác cung ứng nguyên liệu chỉ là một phần nhỏ khi mà tương lai Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu lớn nhất, quan trọng là doanh nghiệp phải nỗ lực tăng tiềm lực của mình để chống chọi với những biến động ngắn hạn như đợt dịch bệnh này. 

“Phải xác định dịch bệnh là trong ngắn hạn. Trước mắt là ngành nào cũng bị ảnh hưởng và ảnh hưởng toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam. Tất cả các giao dịch nước ngoài đều dè đặt. Cho nên là doanh nghiệp phải cố gắng tạo cho mình tiềm lực tốt. Để khi dịch bệnh xảy ra thì mình có nội lực để xoay sở, tồn tại được”, TS. Huỳnh Thanh Điền nêu rõ.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 253 tỷ USD, thì có tới hơn 75 tỷ USD là nhập từ Trung Quốc. Trong đó, nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp của Việt Nam như máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu trong năm 2019 có xuất xứ Trung Quốc đứng vị trí số 1 với kim ngạch nhập khẩu đạt 14,9 tỷ USD. Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỷ USD.... 

Ngay khi có dịch Covid-19 xảy ra, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định: Bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc sẽ là thách thức đối với sản xuất của phần lớn doanh nghiệp, ngành hàng và tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đang cần Chính phủ có các yếu tố hỗ trợ để giúp tăng trưởng hồi phục trong nửa cuối năm nay./.


Minh Hạnh-Lệ Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/giai-phap-de-doanh-nghiep-khoe-truoc-dai-dich-covid19-1010457.vov

  • Từ khóa