Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các tuyến phố ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều điểm bán hoa đào, quất nhưng không khí mua sắm vẫn khá ảm đạm.
Kể từ đầu tháng Chạp, không khí Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã tràn ngập khắp các tuyến phố Hà Nội. Trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông), Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)..., các tiểu thương đã bắt đầu bày bán những cành đào Nhật Tân, chậu quất cảnh mini, cành mận Tây Bắc và nhiều loại hoa độc đáo.
Giá tăng, người bán "sốt ruột"
Sau cơn bão số 3 Yagi đổ bộ hồi tháng 9/2024, nhiều vườn đào bị thiệt hại nặng nề, khiến không ít người lo ngại về tình trạng khan hiếm đào Tết Nguyên đán 2025. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các nhà vườn và tiểu thương, thị trường năm nay vẫn giữ được sự ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu chơi Tết của người dân.
Khảo sát của phóng viên Dân trí tại các điểm bán trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông) cho thấy, giá các loại cây cảnh năm nay tương đối ổn định. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão Yagi khiến giá cả có tăng nhẹ so với năm ngoái. Đào nhỏ, nhiều nụ có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/cành; đào huyền từ 600.000 đến 2 triệu đồng/cành tùy kích cỡ và dáng cây. Đào rừng Mù Cang Chải cành to, xòe rộng có giá từ 3,5 đến 6 triệu đồng/cành.
Tương tự, tại các điểm bán trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), giá đào dao động 1-15 triệu đồng/cây, cành nhỏ giá dao động từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng. Nhiều cây có hoa nở rộ, nhiều nụ, gốc cổ thụ được chào thuê hoặc bán lên đến vài chục triệu đồng.
Các loại đào năm nay có mức giá đa dạng, từ bình dân đến cao cấp (Ảnh: Huỳnh Anh).
Anh Khải, một tiểu thương cho biết do ảnh hưởng của bão hồi tháng 9 năm ngoái khiến nhiều vườn bị ngập úng, hư hỏng nặng. Vườn đào của anh cũng bị thiệt hại khoảng 10-20%. "Do đó, giá bán năm nay sẽ nhỉnh hơn mọi năm nhưng không quá nhiều. Tuy chỉ hơn 10 ngày nữa là Tết nhưng lượng khách vẫn rất thưa thớt", tiểu thương này chia sẻ.
Một số tiểu thương khác cho biết, mặc dù bão gây ngập úng, làm chết nhiều cây trồng nhưng nhà vườn đã chủ động nhập hàng từ các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La, nơi có điều kiện thời tiết thuận lợi, để bù đắp nguồn cung. Nhờ vậy, các loại đào đều có sẵn trên thị trường với mức giá đa dạng, từ bình dân đến cao cấp.
Chị Mai, một tiểu thương tại quận Hà Đông nêu thực tế, vụ Tết năm nay thuận lợi hơn năm ngoái. Năm ngoái, hoa đào nở sớm do năm nhuận, lập Xuân sớm khiến người trồng thất thu. Năm nay, tuy ảnh hưởng của bão Yagi không nhỏ, nhưng thời tiết se lạnh ổn định giúp hoa nở đúng vụ.
Người mua thưa thớt
Ghi nhận thực tế ngày 17/1 (tức 18 tháng Chạp), nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Nguyễn Chánh, Dương Đình Nghệ, Láng... số lượng đào, quất được bày bán ít hơn hẳn so với mọi năm. Không khí mua sắm cũng ảm đạm, người mua chủ yếu đến tham quan, chụp ảnh...
Ông Trần Tú (quận Cầu Giấy) cho biết năm nào ông cũng mua đào chơi Tết. "Năm nay lượng đào bán ít hẳn so với mọi năm, tôi vẫn đang tranh thủ đi khảo sát giá một số chợ hoa và chờ vài hôm nữa mới quyết định mua", ông nói.
Cây đào gốc cổ thụ, hoa nở rộ có giá bán 10 triệu đồng (Ảnh: Minh Huyền).
Trong khi đó, anh Quốc Khánh (quận Hà Đông) lựa chọn mua đào sớm. Tranh thủ cùng vợ con đi chọn cành đào để trang trí phòng khách, anh cho biết năm nào gia đình cũng mua đào, quất từ ngay sau Rằm tháng Chạp để không khí Tết ngập tràn trong nhà.
"Năm nay, giá cả có nhỉnh hơn mọi năm nhưng mẫu mã khá đa dạng nên tôi dễ dàng chọn được một cành đào nhỏ và chậu quất mini để trang trí", anh Khánh chia sẻ.
Các tiểu thương nhận định năm nay tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn. "Những cành lớn, đắt đỏ thường được khách thuê thay vì mua để tiết kiệm chi phí. Khách mua cành nhỏ thì mạnh dạn hơn, nhưng nhiều người vẫn chờ sát Tết mới quyết định mua sắm, vừa để có giá hợp lý, vừa để chắc chắn cây không bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường", chị Mai bộc bạch.
Theo dantri.com.vn