Việc chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, ứng dụng nhiều công nghệ khiến hoạt động tái cấu trúc vị trí công việc cũng được đẩy mạnh
Theo các chuyên gia, xu hướng cắt giảm nhân sự không chỉ với ngành ngân hàng (NH) mà đang diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, từ chứng khoán đến bảo hiểm và bán lẻ… Riêng ngành NH, chỉ trong năm 2024, hàng ngàn nhân sự ở một số NH thương mại được cho nghỉ việc trong làn sóng cắt giảm, tái cấu trúc vị trí công việc, sức ép tăng năng suất, giảm chi phí.
Lãi lớn vẫn giảm nhân sự
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của nhiều NH thương mại cho thấy tổng số nhân sự của các NH vẫn tăng so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong số 27 NH niêm yết trên sàn chứng khoán, bức tranh về nhân sự có khác biệt với xu hướng cắt giảm nhân sự từ vài chục đến vài trăm nhân sự trong mục tiêu tinh gọn, sắp xếp để hoạt động hiệu quả hơn.
Tại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng số cán bộ - công nhân viên của NH và công ty con cuối năm 2024 là 28.998 người, giảm gần 1.000 người so năm trước đó. NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cắt giảm hơn 400 người, tổng số cán bộ, nhân viên còn 18.088 người…
Làn sóng cắt giảm nhân sự rộ lên gần đây, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, khi một số nhân viên NH cho biết thuộc diện cắt giảm vì không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp, công việc theo nhiệm vụ mới.
Đại diện một số NH thông tin việc cắt giảm nhân sự vừa qua chủ yếu do sắp xếp, thu gọn lại hoạt động ở phòng ban, các vị trí công việc truyền thống. Đổi lại, nhu cầu về nguồn nhân lực cho các bộ phận công nghệ, chuyển đổi số, tài chính số là rất lớn. Thậm chí, có sự cạnh tranh giữa các NH trong thu hút nhân sự mảng công nghệ, tài chính số.
Phục vụ khách hàng tại một ngân hàng ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Vì sao NH báo lãi lớn, thậm chí một số NH báo lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động nhưng vẫn cắt giảm nhân sự? Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh của ngành NH trong năm 2024 cho thấy lợi nhuận tăng 14% so với cùng kỳ, là một trong những ngành có mức tăng trưởng tích cực.
TS Nguyễn Quốc Anh, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), nhận định xu hướng cắt giảm nhân sự đã diễn ra cách đây 3 năm và rộ lên vừa qua khi không chỉ NH thương mại mà cả NH thương mại quốc doanh cũng có kế hoạch tinh gọn, cắt giảm. Lý do được nhắc tới nhiều nhất là sự phát triển của công nghệ. Những dịch vụ sử dụng công nghệ nhiều, có thể làm thay mô hình NH truyền thống, nhân sự trong lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng. Sức ép phải tối đa hóa lợi nhuận; tối ưu hóa chi phí cũng khiến một số NH cắt giảm quỹ lương, khen thưởng đi cùng thu hẹp mạng lưới chi nhánh, quầy giao dịch; tăng dịch vụ online.
Ông Trương Tiến Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM (HUB), nhận định việc một số NH sa thải nhân viên gần đây không phải là cho nghỉ hàng loạt. Có thể là nhân viên không đáp ứng nhu cầu công việc, bằng cấp chưa chuẩn hóa trong giai đoạn mới. Nhân sự nghỉ việc nhiều ở khối văn phòng hoặc nhân viên kinh doanh… bởi hiệu quả của NH được tính trên sự tối ưu về doanh thu, lợi nhuận.
Số hóa để tăng trưởng
"Các NH vẫn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại các "Ngày hội thực tập và việc làm HUB" diễn ra hằng năm, số lượng tổ chức tín dụng có nhu cầu tuyển nhân viên cho các vị trí công việc mới vẫn tăng liên tục. Trong đó, các vị trí công việc cần chuyên môn cao như vận hành các ứng dụng công nghệ số, AI, blockchain, quản trị dữ liệu lớn luôn có NH tuyển dụng với mức lương và chế độ đãi ngộ cao nhất trong các khối ngành, lĩnh vực" - ông Trương Tiến Sĩ nói.
Tại Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các NH thương mại mới đây, Thủ tướng đề nghị ngành NH tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt các mục tiêu này, tín dụng phải tăng trên 16%. Vì vậy, trong thời gian tới, chắc chắn các NH sẽ phải phát triển hệ thống, tuyển thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển.
TS Châu Đình Linh, sáng lập và điều hành Trường Quản trị và Lãnh đạo SSB, cho rằng việc tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí và nâng cao tỉ suất sinh lợi là nhu cầu và xu hướng. Làn sóng này tạo lợi thế cạnh tranh cho các NH và các tổ chức tài chính. Bởi việc chuyển đổi từ mô hình NH truyền thống sang NH số, ứng dụng nhiều công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)... khiến các đơn vị phải tái cấu trúc nhiều vị trí công việc cho phù hợp và hiệu quả.
Các NH dần dần hướng tới những hoạt động tài chính phức tạp hơn, trong khi các hoạt động đơn giản dần được chuyển sang các công ty khác. Vì vậy, số lượng nhân sự có thể giảm nhưng chất lượng nhân sự lại tăng, không phải chỉ là cắt giảm một cách cơ học.
"Hiện nhiều NH lớn tìm cách tối đa hóa kết quả kinh doanh đầu ra và giảm các nguồn lực đầu vào, trong đó có chi phí nhân sự và quản lý. Không phải NH gặp khó khăn mới giảm quy mô nhân sự mà chuyển hướng sang cơ cấu tổ chức tinh gọn; áp dụng nhiều công nghệ mới nâng năng suất và giảm nhân sự thực hiện" - TS Châu Đình Linh nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc NH số Cake by VPBank, các NH không chỉ là các tổ chức tài chính, họ đang trở thành các công ty công nghệ đúng nghĩa. Hiện những công việc công nghệ hấp dẫn nhất đang ngày càng xuất hiện trong các NH và tổ chức tài chính. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi việc áp dụng nhanh chóng các công nghệ tiên tiến như AI, điện toán đám mây và blockchain...
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/ngan-hang-giam-nhan-su-truoc-lan-song-chuyen-doi-so-196250222220600242.htm