2 Bộ Công Thương và Tài chính được giao chủ động tính toán, xem xét, quyết định điều chỉnh các loại phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất thời gian áp dụng là từ kỳ điều chỉnh ngày 11/11.
Văn phòng Chính phủ vừa gửi văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính về việc rà soát, điều chỉnh chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Tài chính được giao căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao được quy định tại Nghị định 95, Nghị định 83 và các quy định pháp luật có liên quan để chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường nhằm chủ động tính toán, xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Các loại chi phí bao gồm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam; premium trong nước; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức...
Phó Thủ tướng chỉ đạo, việc điều chỉnh phải theo thẩm quyền và quy định hiện hành, bảo đảm không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, kịp thời và sát với diễn biến thị trường, không để xảy ra trục lợi, buôn lậu, vi phạm pháp luật; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc.
Bộ Tài chính đề nghị thời gian thực hiện nghiên cứu điều chỉnh tăng chi phí định mức áp dụng từ ngày 11/11 (Ảnh minh họa: Hải Long).
Ngày 8/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu.
Bộ này đã thông báo về việc tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu. Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95: 1.280 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít; dầu hỏa: 1.740 đồng/lít; dầu mazut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg.
Bộ Tài chính đề nghị thời gian thực hiện nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11. Đối với premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu), trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị.
Được biết, trong năm nay, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 2 lần, vào ngày 10/1 và ngày 10/7; premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng cũng đã tăng 2 lần, vào ngày 10/1 và ngày 7/10; mức tăng cũng áp dụng từ ngày 1/7 với chi phí kinh doanh định mức. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, mức tăng đó vẫn chưa đủ để bù đắp vào các chi phí phát sinh.
Liên quan tới tình hình xăng dầu, ngày 2/11, trong công điện gửi các bộ ngành và đơn vị liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì cùng với các bộ, cơ quan liên quan tích cực, chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân, không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.
Tuy nhiên, vừa qua tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Hà Phong/dantri.com.vn