Phần đọc hiểu văn bản thường có các câu hỏi yêu cầu thí sinh trả lời nhanh, ngắn gọn và súc tích. Để làm tốt dạng bài này, thí sinh cần nắm chắc các đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa.
Đồng thời, các em cần rèn luyện những kĩ năng cơ bản để có thể giải quyết các câu hỏi trong đề thi.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI phân tích một số dạng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong phần thi đọc hiểu.
Bên cạnh đó, thầy cũng hướng dẫn một số kĩ năng, chiến thuật giúp các em dễ dàng vượt qua các dạng câu hỏi này và đạt được điểm số cao cho kì thi sắp tới.
Dạng câu hỏi đầu tiên thường yêu cầu thí sinh xác định nội dung chính, chủ đề của văn bản. Để xác định được nội dung chính hoặc chủ đề của đoạn văn bản, chúng ta cần đọc thật kĩ văn bản. Câu chủ đề thường nằm ở phần đầu hoặc phần cuối của đoạn văn bản.
Do vậy khi tìm, chúng ta tập trung ở 2 khu vực này. Với một số văn bản khác như văn bản nghệ thuật, thơ, truyện thì câu chủ đề không chắc xuất hiện trong văn bản. Có một mẹo nhỏ để xác định được chủ đề cho các văn bản này, đó là chúng ta cần xem hình ảnh, từ ngữ, chi tiết nào nhiều lần xuất hiện trong nội dung của đoạn văn bản thì chứng tỏ tác phẩm đang tập trung nói về chủ đề đó.
"Với một văn bản có nhiều đoạn văn, mà mỗi đoạn văn lại có 1 chủ đề khá độc lập thì lúc đó chúng ta cần đặt các đoạn văn cạnh nhau và nhìn xem các chủ đề độc lập ấy có liên hệ gì với nhau. Thông thường các em sẽ thấy được một nội dung xuyên suốt toàn bộ, đó chính là chủ đề chính của đoạn văn bản", thầy Hùng cho biết thêm.
Dạng câu hỏi thường gặp thứ hai là dạng câu hỏi yêu cầu xác định phương thức biểu đạt của văn bản. Để giải quyết câu hỏi này, trước hết, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và phân biệt được 6 phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính - công vụ. Sau đó, các em cần phải tìm được những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Nếu đề bài yêu cầu học sinh chỉ ra phương thức biểu đạt chính thì em chỉ cần gọi tên một phương thức biểu đạt chính của văn bản. Lưu ý, muốn xác định được phương thức biểu đạt chính, chúng ta có thể thông qua thể loại, nội dung chính hay chủ đề của văn bản. Trong trường hợp đề bài yêu cầu xác định các phương thức biểu đạt mà không có từ "chính" hay "chủ đạo" thì các em phải chỉ ra tất cả các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản đó.
Dạng câu hỏi thứ ba cũng rất quen thuộc, đó là dạng câu hỏi yêu cầu xác định và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ trong văn bản. Trước hết các em cần gọi tên biện pháp tu từ được sử dụng và chỉ ra các từ ngữ, hình ảnh thể hiện biện pháp tu từ đó. Sau khi đã chỉ ra được biện pháp tu từ, chúng ta cần căn cứ trên văn cảnh của biện pháp tu từ xuất hiện trong đoạn văn, đoạn thơ và nêu ra tác dụng cụ thể của nó trong việc thể hiện nội dung của đoạn văn, đoạn thơ.
"Nhiều thí sinh sau khi tìm được biện pháp tu từ thì chỉ dừng lại ở đây mà quên không nêu ra tác dụng của biện pháp đó, do đó các em thường mất nửa số điểm của câu hỏi. Đây là điều mà các em cũng cần đặc biệt lưu ý", thầy Hùng nhấn mạnh.
Dạng câu hỏi thứ tư thường xuất hiện là dạng câu hỏi yêu cầu học sinh giải thích, giải nghĩa các từ ngữ hoặc hình ảnh, chi tiết, quan điểm trong đoạn văn bản.
Các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, quan điểm đó được đưa ra thường là những từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, quan điểm quan trọng, đối với việc thể hiện nội dung và nghệ thuật của văn bản. Khi giải thích các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, quan điểm đó thì các em cần phải đặt nó trong văn cảnh cụ thể của văn bản và xem xét xem nó mang ý nghĩa gì. Khi thí sinh trình bày được đầy đủ các nét nghĩa thì các em sẽ dễ dàng đạt được điểm tối đa.
Dạng câu hỏi thứ năm là dạng câu hỏi yêu cầu xác định phép liên kết. Các đoạn văn trong một văn bản hay các câu trong một đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau về nội dung và hình thức. Thông thường các đề đọc hiểu chỉ yêu cầu thí sinh tìm ra các phép liên kết hình thức vì nó được thể hiện ngay ở trên bề mặt câu, từ của đoạn văn bản và rất dễ nhận ra. Do đó, câu hỏi này thường không làm khó thí sinh.
Dạng câu hỏi thứ sáu là dạng câu hỏi yêu cầu xác định các thành phần câu, kiểu câu.
Muốn xác định được chính xác các thành phần câu, học sinh phải nhớ được khái niệm của các thành phần câu.
Còn để xác định các kiểu câu, chúng ta phải nhớ câu trong tiếng Việt được phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau. Theo mục đích nói, câu tiếng Việt có thể phân chia thành câu trần thuật, câu cầu khiến, câu nghi vấn, câu cảm thán. Hay theo cấu tạo thì câu tiếng Việt có các kiểu câu: câu đơn, câu phức, câu ghép, câu rút gọn, câu đặc biệt. Trong đó, câu rút gọn và câu đặc biệt thường khó phân biệt nhất.
Thầy Hùng chỉ ra một mẹo nhỏ giúp các em phân biệt được hai kiểu câu này. Câu rút gọn, là kiểu câu bị lược đi các thành phần nòng cốt (chủ ngữ, vị ngữ hoặc cả chủ ngữ và vị ngữ), nhưng dựa vào ngữ cảnh, ta vẫn sẽ khôi phục được cấu trúc đầy đủ của câu. Còn câu đặc biệt thì ta không thể khôi phục lại được.
Dạng câu hỏi thứ 7 là câu hỏi nâng cao, thường xuất hiện ở câu hỏi số 3 hoặc 4 của phần đọc hiểu, yêu cầu các em viết đoạn văn ngắn (khoảng từ 4-6 dòng) để trình bày ý kiến, quan điểm cá nhân về một vấn đề được đưa ra ở văn bản.
Câu hỏi có thể yêu cầu thí sinh đánh giá xem vấn đề đó đúng hay sai, nêu quan điểm của cá nhân đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của tác giả hoặc em cảm nhận được thông điệp nào giàu ý nghĩa trong văn bản.
Câu hỏi này cũng có thể yêu cầu thí sinh liên hệ tới thực tế cuộc sống từ vấn đề mà văn bản đọc hiểu khơi gợi. Để làm tốt câu này thì các em phải có kiến thức xã hội, cùng những hiểu biết sâu rộng về thực tế đời sống. Điều này có thể được trau dồi bằng cách các em hãy chăm chỉ đọc sách, báo, xem thời sự, quan tâm tới các vấn đề nóng của xã hội…
Thầy Nguyễn Phi Hùng cho biết, với những gợi ý như trên, cùng quá trình luyện tập của học sinh thì các câu hỏi đọc hiểu văn bản sẽ không còn là thử thách mà là điều kiện thuận lợi để các em hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn vào 10 và giành được điểm số cao trong kì thi sắp tới.
Nhật Hồng/damtri.com.vn