Đến với cuộc thi lập trình robot, các sinh viên khối kỹ thuật của các trường đại học tại Hà Nội có cơ hội thể hiện niềm đam mê sáng tạo đối với nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Sân chơi cho sinh viên yêu công nghệ
Ngày 25/5, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Lập trình robot năm 2023″. Đây là năm đầu tiên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức cuộc thi cấp liên trường, mở rộng đối tượng sinh viên cả nước.
Phát động tổ chức từ ngày 1/3 và chia làm 2 vòng đấu: vòng loại và vòng chung kết, cuộc thi đã thu hút 25 đội thi từ nhiều trường đại học tại Hà Nội như: Trường đại học công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Công nghiệp, Trường đại học Giao thông vận tải.
Qua vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 7 đến 9/4, có 8 đội thi xuất sắc vào vòng thi chung kết.
Vòng chung kết diễn ra theo hình thức đối kháng, 8 đội chia 2 bảng đấu vòng tròn tính điểm để chọn ra 4 đội mạnh nhất thi đấu bán kết, và 2 đội xuất sắc nhất thi đấu chung kết.
TS Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật điện tử, Trưởng ban tổ chức cuộc thi bốc thăm chia các đội vào hai bảng đấu |
Cuộc thi đã diễn ra trong không khí sôi động, hào hứng và đầy quyết tâm, các đội thi đã xuất sắc vượt qua được các điểm đặc biệt khó, như bậc thang, khúc cua, đoạn đường mất nét,… để về đích với thời gian ngắn nhất.
Ban giám khảo vòng chung kết là các chuyên gia đến từ các trường đại học, đã làm việc công tâm và khách quan để xác định các đội thắng cuộc trong mỗi trận đấu.
Các trận thi đấu được tường thuật trực tiếp bởi chuyên gia, với màn hình lớn để khán giả theo dõi |
Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội For Fun của Câu lạc bộ Điện tử, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, gồm 4 thành viên: Lê Sỹ Sang, Đinh Văn Trung, Đinh Thị Thanh Tâm, Trần Đức Lương.
TS Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng khoa Kỹ thuật điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (bên trái ảnh) và GS Kou Yamada, Đại học Gunma (Nhật Bản)(bên phải ảnh) trao giải cho đội về Nhất |
Đội đạt giải nhì là Embedded AIoT Alpha, hai đội đạt giải ba là AE Warrios và Canvas.
Ban tổ chức cũng đã trao một giải robot sáng tạo nhất cho đội AE Warrios đến từ Câu lạc bộ điện tử PTiT, và giải Tiềm năng cho đội UETX đến từ trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng khoa Kỹ thuật điện tử cho biết, cuộc thi “Lập trình robot năm 2023″ là sân chơi chung cho sinh viên khối kỹ thuật các trường đại học tại Hà Nội có niềm đam mê robot. Tại cuộc thi, các bạn sinh viên có cơ hội để thể hiện niềm đam mê sáng tạo của mình đối với nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, qua đó có thêm động lực thúc đẩy việc trau dồi kiến thức, kỹ năng trong học tập, sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Tương lai của ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa
Cố vấn cao cấp của cuộc thi, cũng là người đồng hành từ khi cuộc thi được phát động là Giáo sư Kou Yamada, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Giám đốc chương trình đào tạo lĩnh vực lý thuyết điều khiển, tự động hóa, IoT, AI, Đại học Gunma (Nhật Bản). Ông là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực robot, lý thuyết điều khiển và tự động hóa, với hơn 300 công bố kết quả nghiên trên các tạp chí khoa học hàng đầu quốc tế.
Giáo sư Kou Yamada cho biết, đội được giải nhất sẽ có cơ hội rất cao tham quan giao lưu tại Nhật Bản. Tại vòng chung kết, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tham dự để động viên, phát hiện tài năng và tài trợ cho cuộc thi.
Giáo sư Kou Yamada, Đại học Gunma (Nhật Bản) là cố vấn cao cấp của cuộc thi |
Giáo sư Kou Yamada chia sẻ: “Khi tiếp xúc và làm việc với các bạn sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói riêng, tôi nhận thấy các bạn thông minh, có khả năng tiếp thu kiến thức, công nghệ mới nhanh, chịu khó và có thế mạnh về lập trình. Thông qua cuộc thi này, các bạn được rèn luyện kỹ năng đoàn kết khi làm việc nhóm; khả năng giải quyết và đối ứng vấn đề mới khi phát sinh trong quá trình làm việc; khả năng dẻo dai và làm việc đến cùng; rèn luyện kỹ năng duy trì làm việc liên tục”.
Giáo sư Kou Yamada cũng nói về tương lai ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Theo ông, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là lĩnh vực cốt lõi và có vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển và nghiên cứu công nghệ, chế tạo các sản phẩm công nghệ cao, thiết bị tinh xảo cùng với độ chính xác cao. Nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực này đối với Nhật Bản luôn cao và có lợi thế cạnh tranh lớn.
"Đối với Việt Nam, một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, các bạn cần chuẩn bị một nguồn nhân lực đủ lớn, đủ mạnh về điều khiển và tự động hóa để phục vụ quá trình sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật chuyên sâu" - Giáo sư Kou Yamada cho biết.
Về định hướng đối với ngành “Robot và Trí tuệ nhân tạo” trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Giáo sư Yamada khẳng định: “Robot và Trí tuệ nhân tạo là lựa chọn tốt, rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đất nước Nhật Bản đang rất “khát” nhân lực trong lĩnh vực này, nhu cầu lên đến hàng chục nghìn kỹ sư. Còn đối với Việt Nam, trong vài năm tới, công nghiệp và sản xuất tự động phát triển hơn nữa thì các kỹ sư theo định hướng này sẽ là của hiếm, tài sản quý của mọi doanh nghiệp”.
TS Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện, Giáo sư Kou Yamada cùng các thầy cô giáo, đại biểu, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam chụp ảnh cùng các đội thi |
Năm nay, là năm đầu tiên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khu vực phía bắc tổ chức tuyển sinh ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa theo định hướng Robot và trí tuệ nhân tạo, nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp, xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chương trình đào tạo tập trung vào cung cấp các kiến thức về thiết kế, lập trình robot, các lý thuyết điều khiển hiện đại, các giải pháp ứng dụng học sâu, trí tuệ nhân tạo giúp robot và các thiết bị điều khiển thông minh hơn.
HÀ THÀNH