Quy định mới về Hội thi giáo viên dạy giỏi: Động lực để giáo viên phấn đấu

Thứ 7, 11.01.2020 | 19:19:10
4,783 lượt xem

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT, quy định về Hội thi giáo viên (GV) dạy giỏi cơ sở giáo dục (GD) mầm non; GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (CSGDPT).

Hội thi giáo viên nhằm tạo động lực cho GV phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ảnh: Hữu Cường
 Hội thi giáo viên nhằm tạo động lực cho GV phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ảnh: Hữu Cường

Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Quy định này nhằm tạo động lực cho GV phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp...

Phải giỏi nghề thực sự

- Vì sao cần ban hành mới quy định về Hội thi GV dạy giỏi cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non; GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi CSGDPT, thưa ông?

- Các Thông tư Điều lệ hội thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và GDTX được Bộ GD&ĐT ban hành được gần 10 năm. Ngoài những mặt tích cực, quá trình triển khai đã bộc lộ nhược điểm, một số quy định không còn phù hợp. Có trường hợp CSGDPT cử GV tham dự thi vì thành tích tập thể; nhiều sáng kiến kinh nghiệm chỉ là hình thức, sao chép hoặc kém chất lượng để nhằm có đủ nội dung thi GV giỏi.

Hội thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi nhằm phát hiện, công nhận, tôn vinh, nhân rộng GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi; tạo động lực cho GV phấn đấu, hoàn thiện bản thân; góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho GV rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, GD trẻ em (với GV mầm non); công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp (với GV phổ thông). Hội thi dựa trên sự tự nguyện của GV; không ép buộc, không tạo áp lực cho GV tham gia Hội thi. Ông Hoàng Đức Minh

Việc tổ chức thực hiện ở một vài địa phương còn có biểu hiện của “bệnh thành tích”, chưa thực sự đúng mục đích của Hội thi, như: Không giữ nguyên trạng số lượng HS tại lớp thực hành thao giảng, gây áp lực cho GV, chạy theo bệnh thành tích, chưa đánh giá đúng thực trạng đội ngũ...

Thông tư 22 thay thế các Thông tư đã ban hành nêu trên, khắc phục các hạn chế, bất cập, tuy nhiên không làm gián đoạn các hội thi GV dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của các địa phương.

- Có ý kiến cho rằng, GV đi thi chưa hẳn dạy giỏi mà là diễn giỏi. Điều này sẽ được khắc phục như thế nào trong quy định mới?

- Thông tư 22 quy định nội dung tham gia Hội thi, gồm: Thứ nhất, thực hành một hoạt động GD cụ thể đối với GV mầm non theo kế hoạch GD của nhà trường; Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi với GV phổ thông; Thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) đối với GV chủ nhiệm lớp.

Các hoạt động thực hành, tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng trẻ em của lớp. GV không được dạy trước (dạy thử) hoạt động thực hành tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. GV được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động GD, tiết học trong thời gian không quá 2 ngày trước thời điểm thi.

Thứ 2: Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, GD trẻ em của cá nhân tại CSGD, nơi GV đang làm việc (với GV mầm non); Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại CSGD, nơi GV đang làm việc (với GV phổ thông); Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của cá nhân tại CSGD, nơi GV đang làm việc (với GV chủ nhiệm).

Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi. Biện pháp được lãnh đạo CSGD xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.

Theo quy định trên, đánh giá GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi vừa đánh giá quá trình thể hiện năng lực nghề nghiệp, đánh giá giờ dạy, hoạt động giáo dục (đây là hoạt động đặc thù chỉ có ở trường học), đánh giá việc rút kinh nghiệm từ hoạt động giảng dạy và GD để có báo cáo biện pháp chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Như vậy, vừa đánh giá tiết dạy, quá trình thể hiện năng lực nghề nghiệp qua chuẩn. Thêm nữa, GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi sẽ có báo cáo trực tiếp một biện pháp đã đúc rút từ thực tế trong giảng dạy. Như vậy, sẽ đánh giá được cả quá trình giảng dạy, GD trẻ em/HS của GV và việc công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi mới xác thực và công bằng.

Chuẩn nghề nghiệp GV là nền tảng về tiêu chuẩn để tham dự Hội thi

- Tiêu chuẩn tham gia GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi có gì đáng chú ý, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT)

- Điểm mới đáng chú ý về nội dung này là căn cứ “chính” dựa vào chuẩn nghề nghiệp GV để quy định tiêu chuẩn tham gia GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi. Ngoài các yêu cầu khác, tiêu chuẩn GV tham dự Hội thi được quy định theo chuẩn nghề nghiệp như sau:

GV mầm non tham dự Hội thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh (GV dạy giỏi) bảo đảm các tiêu chuẩn sau đây: GV tham dự Hội thi cấp trường phải bảo đảm đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi, trong đó có các tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 8 và 9 được quy định tại Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GV mầm non đạt mức tốt;

GV phổ thông tham dự Hội thi GV dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh phải bảo đảm đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi; trong đó các tiêu chí của tiêu chuẩn 2 (tiêu chuẩn phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GV CSGDPT đạt mức tốt;

GV phổ thông tham dự Hội thi GV chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh phải bảo đảm đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi, trong đó các tiêu chí tại tiêu chuẩn 3 (tiêu chuẩn xây dựng môi trường giáo dục) và tiêu chuẩn 4 (tiêu chuẩn phát triển mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GV CSGDPT đạt mức tốt;

Như vậy, GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi cần có nền tảng nghề nghiệp vững vàng mới đủ điều kiện để tham gia Hội thi.

 Ảnh minh họa/ INT

Giao quyền tự chủ cho địa phương

- Quy định mới có điều gì đáng chú ý liên quan đến trách nhiệm của địa phương trong tổ chức Hội thi?

- Theo nội dung Thông tư 22, Bộ GD&ĐT quy định chung về điều kiện, tiêu chuẩn đối với GV tham gia dự thi; tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Tổ chức Hội thi, Trưởng ban Tổ chức Hội thi; thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Giám khảo Hội thi; tổ chức thi, đánh giá các nội dung, kết quả Hội thi; khiếu nại, giải quyết khiếu nại và sử dụng kết quả Hội thi. Còn về thời gian, địa điểm thực hiện, số lượng GV tham gia dự thi… giao quyền địa phương tự chủ triển khai nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh áp lực không đáng có cho GV, cụ thể:

Về số lượng, Hội thi GV dạy giỏi CSGD mầm non; GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi CSGDPT: Trưởng phòng GD&ĐT; Giám đốc sở GD&ĐT quyết định theo phân cấp quản lý, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, ngân sách của địa phương hàng năm và theo đúng quy định tại Thông tư này.

Thời gian, địa điểm tổ chức Hội thi được xác định trong kế hoạch hoạt động triển khai từ đầu năm học do thủ trưởng đơn vị quyết định theo phân cấp quản lý (cấp trường: Hiệu trưởng quyết định, cấp huyện: Trưởng phòng GD&ĐT quyết định, cấp tỉnh: Giám đốc sở GD&ĐT quyết định) bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng học tập của HS. Tùy thuộc vào điều kiện địa lý, số lượng GV tham gia dự thi có thể chia thành các điểm thi, cụm thi nhỏ và phải bảo đảm không gây khó khăn cho GV tham gia dự thi.

Điều này có nghĩa là các cấp quản lý GD tại cơ sở, các CSGD và GV tham gia Hội thi hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình khi tham gia Hội thi. Đặc biệt, GV tham gia Hội thi phải tham gia một “luật chơi chung” như quy định tại Thông tư ban hành.

- Xin cảm ơn ông!

Thông tư 22 không quy định số năm công tác trước khi tham gia Hội thi như các thông tư trước. Trong cùng một năm, GV có thể tham gia cả ba Hội thi: Cấp trường, huyện, tỉnh (nếu đủ điều kiện và địa phương tiến hành tổ chức). Ngoài ra, các tiêu chuẩn để tham gia Hội thi các cấp chỉ cần thông tin nghề nghiệp của hai năm trở lại, không cần đến 3 hay 4 năm như các thông tư trước đã quy định. Việc này cũng thể hiện sự “liên tục”, “gia tăng” hoạt động nghề nghiệp gắn liền với Hội thi, để Hội thi có chất lượng hơn.

giaoducthoidai.vn/giao-duc/quy-dinh-moi-ve-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-dong-luc-de-giao-vien-phan-dau-4057284-b.html

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

  • Từ khóa