Trong 8 năm qua, tổng kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã bố trí là hơn 210 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Học sinh Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8, TPHCM) trong một tiết học chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Ngân sách chưa đảm bảo
Theo Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2015 - 2022, Nhà nước đã cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT).
Trong giai đoạn 2015-2022, tổng kinh phí đã bố trí là 213.449 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, chi thường xuyên là 81.770 tỷ đồng, chiếm 38,3%, chi đầu tư là 131.679 tỷ đồng, chiếm 61,7%.
Nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn ngân sách Trung ương chiếm tỷ lệ lần lượt là 71,6%, 19,2% và 6,2% tổng kinh phí.
Nghị quyết nêu vấn đề, ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Hầu hết các địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Việc bố trí ngân sách của các địa phương để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo còn khó khăn, chủ yếu lồng ghép trong ngân sách chi thường xuyên. Tỷ lệ chi thường xuyên cho giáo dục chủ yếu là chi lương; chi dành cho các hoạt động giáo dục nhìn chung thấp, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình.
Tỷ lệ giải ngân đề án thấp
Chính sách xã hội hóa giáo dục tiếp tục được thực hiện, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, biên soạn sách giáo khoa.
Trong 8 năm qua, đã thu hút được 6.420 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông); 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực GDPT với tổng số vốn đăng ký là 33,71 triệu USD.
Việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất để phát triển trường học.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất để phát triển trường học. Chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục, chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư... chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Việc triển khai một số chương trình, đề án còn hạn chế. Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) và Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) có tỷ lệ giải ngân thấp (lần lượt đạt 23,05% và 63%), tiến độ chậm. Thậm chí, đã phải hủy vốn đầu tư, số kế hoạch vốn đầu tư hoàn trả lớn.
Một số hạn chế khác như: 3 nội dung trong các chương trình thành phần chưa hoàn thành; một số nội dung của dự án không thực hiện được toàn bộ các hoạt động theo thiết kế.
Văn kiện Dự án RGEP được phê duyệt còn một số nội dung trùng lặp với chương trình, dự án khác của Bộ GD&ĐT.
Xây dựng nhiều phòng học mới, thiếu hơn 62.000 giáo viên
Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Năm học 2021-2022, cả nước có 12.354 trường tiểu học, 10.672 trường THCS, 2.441 trường THPT. Trong đó, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 49 tỉnh, thành phố và 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú tại 28 tỉnh.
Tổng số phòng học trên cả nước là 465.530 phòng (tăng 156.346 phòng so với năm học 2018-2019). Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,42% (tăng 5,8% so với năm học 2018-2019).
Cả nước có 87.426 phòng học bộ môn, 211.572 bộ thiết bị dạy học. Tỷ lệ trường có thư viện ở cấp tiểu học, THCS, THPT lần lượt đạt 92,9%, 88,9% và 86,4%.
Dù có nỗ lực và tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành.
Số phòng học chưa được kiên cố hóa lớn (59.514 phòng học), tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ở khu vực đô thị, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu nhiều phòng học nhất.
Tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng, trong đó thiếu 3.031 phòng học tin học và 5.517 phòng học ngoại ngữ; thiếu 2.086 thư viện. Tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%.
Quy mô, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng số giáo viên phổ thông cả nước tính đến cuối năm học 2021-2022 là 857.993 người (tăng 12.109 người so với đầu năm học 2018-2019).
Số lượng biên chế được bổ sung năm học 2022-2023 là 14.835 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo của cấp tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 75,3%, 86,4% và 99,9%, vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Đồn (Bình Đại, Bến Tre) trong một tiết học (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được bồi dưỡng, tập huấn theo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn 2016-2022 đã có 30.127 giáo viên cốt cán và 3.815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 319.158 giáo viên và 22.860 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình bồi dưỡng đại trà.
Dù vậy, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên.
Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên môn âm nhạc, nghệ thuật đạt chuẩn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.
Trước những thực trạng trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát huy mặt tích cực, khắc phục hạn chế để thực hiện tốt đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Theo dantri.com.vn