Yazan Ayaydeh (người Palestine), lưu học sinh Đại học Hà Nội, thích không khí tất bật chuẩn bị Tết ở Việt Nam, nhưng sợ phải uống quá nhiều rượu.
Yazan Ayaydeh (người Palestine), lưu học sinh Đại học Hà Nội, thích không khí tất bật chuẩn bị Tết ở Việt Nam, nhưng sợ phải uống quá nhiều rượu.
5 năm học tập và sinh sống tại Việt Nam, Yazan đã ba lần đón Tết Nguyên đán, cảm nhận rõ ràng không khí tất bật chuẩn bị cho Tết. "Đường phố ngày giáp Tết nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nhà đi mua sắm. Đào quất trưng đầy các dãy phố", Yazan nói. Tất cả khiến anh thấy ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam rất quan trọng và thường quyết định ở lại Việt Nam dịp Tết để trải nghiệm.
Yazan Ayaydeh. Ảnh: Dương Tâm |
Từ năm đầu sang Việt Nam, Yazan đã được dạy làm bánh chưng và nem. Anh vẫn nhớ lần đó cầm chiếc lá dong loay hoay không biết phải làm thế nào. Khi đã gói được lá để không bị hở gạo, đỗ, anh không biết phải xoáy lạt kiểu gì cho đúng. Đến năm nay, Yazang vẫn lúng túng khi gói bánh, không biết làm cách nào cho bánh vuông vức.
Yazan chia sẻ rất vui vì mỗi dịp Tết đến, nhiều bạn rủ về quê ăn Tết. Thế nhưng, ba ngày đầu năm, anh thường chỉ ngủ, hoặc đi dạo quanh Hà Nội, vào công viên hay uống cafe vì "người Việt Nam thường kiêng đến nhà ngày đầu năm và bận đi thăm họ hàng". Anh coi đó là thời gian nghỉ ngơi sau một năm học tập và làm việc.
Đến mùng 4 Tết, Yazan sẽ rủ bạn bè đi chơi hoặc đến nhà họ. Năm ngoái, lưu học sinh ngành Kinh doanh du lịch và Việt Nam học của Đại học Hà Nội về nhà bạn ở Quảng Ninh. Anh được họ hàng của bạn rất quý, được thưởng thức những món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, nem, miến xào, canh măng. Điều khiến Yazan sợ nhất, đó là uống rượu.
"Người Việt Nam uống rượu rất giỏi. Ai cũng rủ uống nhưng mình không chịu uống nhiều đâu, chỉ 1-2 ly thôi", Yazan nói và cho biết ở Palestine, anh và gia đình chỉ cụng ly mừng năm mới chứ không coi rượu như món đồ uống không thể thiếu hàng ngày.
Onishi Kanna, lưu học sinh người Nhật đang học năm hai khoa Việt Nam học của Đại học Hà Nội cũng thích thú khi được trải nghiệm Tết Việt ngay trong năm đầu tới Việt Nam.
Năm ngoái, Kanna được một người bạn rủ về quê Hải Dương ăn Tết. Hơn một tuần ở đó, Kanna được hưởng trọn không khí ngày Tết, từ việc đi chợ quê, tảo mộ, dọn dẹp nhà cửa, thăm họ hàng đến những bữa cơm quây quần của gia đình Việt. Kanna hào hứng khi được nhiều cô bác lì xì và được trao lì xì cho các bạn nhỏ. "Việc lì xì may mắn ngày đầu năm ở Nhật cũng có, nhưng phong bao lì xì ở Việt Nam đẹp và đa dạng hơn", Kanna cười nói.
Không chỉ phong bao lì xì, Kanna thấy rõ những điểm khác biệt trong ngày đầu năm mới của Việt Nam và Nhật Bản. Ở Nhật, trong ba ngày đầu năm, mọi người không được sử dụng bếp nên trước khi sang năm mới, phụ nữ sẽ làm rất nhiều đồ ăn. Còn ở Việt Nam, Kanna cùng gia đình của bạn nấu nướng rất nhiều ngay từ sáng mùng 1 Tết. Điều kiêng kỵ lớn nhất là không được quét nhà.
Với anh em họ hàng xa hay bạn bè, người Nhật thường viết bưu thiếp rồi gửi tặng thay vì cất công đến tận nơi như người Việt. Điều đó khiến Kanna cảm thấy mọi người như được gần gũi nhau hơn.
Năm nay, Kanna vẫn ăn Tết Việt Nam nhưng sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Lấy chồng người Việt hồi tháng 11/2019, Kanna sẽ về nhà chồng ở Bắc Giang trong dịp này. "Lần đầu ăn Tết ở nhà chồng, dù chưa biết làm mâm cỗ Tết đầy đủ ra sao, cũng chưa biết gói bánh chưng sao cho đẹp, nhưng em không lo lắng lắm vì bố mẹ chồng rất hiền và thương em. Em sẽ cùng chồng đi thăm hỏi và chúc Tết họ hàng", Kanna nói và hy vọng sẽ có một năm mới vạn sự như ý.
Khác với Yazan và Kanna, Elijah Levon Scharp (lưu học sinh Mỹ) dành những ngày nghỉ Tết Canh Tý để đi du lịch ở các tỉnh miền núi phía bắc, sau đó về nhà em gái nuôi ở một xã nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam.
Elijah xin chữ trong ngày trải nghiệm Tết Việt ở Đại học Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm |
Hồi mới 6-7 tuổi, Elijah đã theo bố mẹ từ Mỹ sang Việt Nam sinh sống. Ở Nha Trang khoảng bốn năm, Elijah chỉ lờ mờ nhớ Tết có lì xì, có mai vàng, mâm ngũ quả. Gia đình Elijah rất yêu Việt Nam, đã nhận hai con nuôi người Việt và đó là lý do anh quyết định quay lại học tập tại Việt Nam.
Trong hơn ba tháng theo học ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Elijah đã mường tượng ra ngày Tết cổ truyền của người Việt như thế nào. Anh thích nhất hai từ "sum vầy" khi nhắc tới Tết Việt - thời điểm mọi người trong gia đình quây quần bên nhau. Ở Mỹ, các thành viên trong gia đình cũng coi trọng sự sum vầy nhưng là trong dịp Giáng sinh chứ không phải đầu năm mới.
Nam sinh Mỹ đã xin ông đồ hai chữ "bình an" để mong một năm mới tốt lành. Anh hy vọng sẽ có một năm học tập và làm việc thuận lợi tại Việt Nam.
Dương Tâm/vnexpress.net
https://vnexpress.net/giao-duc/sinh-vien-nuoc-ngoai-thich-tet-viet-4045768.html