Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 được sử dụng từ năm học 2024-2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Danh mục sách giáo khoa lớp 12 được sử dụng từ năm 2024-2025 vừa được công bố theo Quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hôm 5/1.
Danh mục này gồm 39 đầu mục sách giáo khoa với 72 cuốn sách của các môn học, hoạt động giáo dục: ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục thể chất, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, sinh học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.
Các sách này chủ yếu thuộc ba bộ Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Riêng sách tiếng Anh có sự tham gia của nhiều đơn vị khác.
Danh mục sách giáo khoa lớp 12 được sử dụng trong năm học 2024-2025 (Ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, hiện Bộ GD&ĐT vẫn chưa phê duyệt sách tin học 12, vật lý 12, hóa học 12 và giáo dục quốc phòng và an ninh 12.
Trước đó, ngày 31/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định 4338/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 9 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Danh mục gồm 48 sách giáo khoa của 10 môn học, hoạt động giáo dục: ngữ văn, toán, tiếng Anh, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, công nghệ.
Trong đó có 14 sách thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, 16 sách thuộc bộ Chân trời sáng tạo, 16 sách thuộc bộ sách Cánh Diều; 2 sách thuộc bộ Cùng khám phá của Nhà xuất bản Đại học Huế.
Riêng sách khoa học tự nhiên 9 vẫn chưa có quyết định phê duyệt.
Danh mục sách giáo khoa lớp 9 được sử dụng trong năm học 2024-2025 (Ảnh chụp màn hình).
Với danh mục sách giáo khoa lớp 5, Bộ GD&ĐT chưa phê duyệt sách tiếng Việt 5 và khoa học 5.
Danh mục sách giáo khoa lớp 5 được sử dụng trong năm học 2024-2025 (Ảnh chụp màn hình).
Năm học 2023-2024, học sinh lớp 5, 9, 12 vẫn đang học sách giáo khoa thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đây là những lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình cũ.
Các bộ sách giáo khoa 5, 9, 12 mới được phê duyệt nói trên sẽ được sử dụng từ năm học 2024-2025.
Năm học 2024-2025 cũng là năm ngành giáo dục sử dụng toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sách giáo khoa lớp 10 được phê duyệt sử dụng từ năm học 2022-2023 (Ảnh: Hoàng Hồng).
Cùng với quyết định phê duyệt sách giáo khoa 5, 9, 12, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, áp dụng từ tháng 2.
Theo đó, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục sẽ do hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu) thành lập.
Đặc biệt, Thông tư 27 quy định rõ, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa không được tham gia hội đồng. Tứ thân phụ mẫu và anh chị em ruột thịt hai bên vợ/chồng của người làm sách giáo khoa cũng không được phép có mặt trong hội đồng này.
Tương tự, người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được phép liên quan tới hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục.
Căn cứ vào kế hoạch của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó. Giáo viên hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường đều được tham gia.
Các giáo viên sẽ bỏ phiếu lựa chọn 1 sách giáo khoa duy nhất cho mỗi môn học. Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu.
Từ kết quả lựa chọn của các tổ chuyên môn, hội đồng của nhà trường họp thảo luận, thẩm định. Sau đó nhà trường lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) hoặc Sở GD&ĐT (đối với cấp trung học phổ thông).
Ở bước thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, sau đó tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa trình Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.
Cuối cùng, UBND cấp tỉnh đưa ra quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.
Sau khi được phê duyệt, nhà trường phải công khai danh mục này đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30/4 hằng năm.
Trước đó, theo quy định cũ tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT năm 2020, quyền lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thuộc về UBND cấp tỉnh.
Theo dantri.com.vn