Kể từ năm học 2024-2025, học sinh bậc THPT và THCS không còn xếp loại học lực theo điểm trung bình các môn học, đồng thời không còn điểm trung bình các môn học trong học bạ.
Cách đánh giá kết quả học tập theo chương trình giáo dục phổ thông 2018
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 22) quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT) đã bỏ nội dung xếp loại học lực học sinh.
Đồng thời, Thông tư 22 cũng bỏ điểm trung bình các môn học theo học kì và cả năm.
Cụ thể, theo quy định mới, kết quả học tập trong từng học kỳ và cả năm học của học sinh được đánh giá dựa trên từng môn học.
Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, kết quả học tập của học sinh được chia thành bốn mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Hải Long).
Mức Tốt quy định điểm trung bình môn của từng môn học có tính điểm đạt từ 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên. Các môn học không tính điểm được đánh giá Đạt.
Mức Khá quy định điểm trung bình môn của từng môn học có tính điểm đạt từ 5,0 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn đạt từ 6,5 trở lên. Các môn học không tính điểm được đánh giá Đạt.
Mức Đạt quy định có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn từ 5,0 trở lên và không có môn học nào có điểm trung bình môn dưới 3,5. Có nhiều nhất 1 môn học không tính điểm bị đánh giá Chưa đạt.
Các trường hợp còn lại xếp mức Chưa đạt.
Như vậy, so với quy định cũ, cách đánh giá học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi lớn.
Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, học sinh THCS và THPT được xếp loại học lực theo năm mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và Kém.
Ở mỗi mức, căn cứ để xếp loại là điểm trung bình chung các môn học theo kỳ và cả năm, trong đó có thêm điều kiện về điểm trung bình của một trong ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Ví dụ, học sinh được xếp loại Giỏi khi điểm trung bình các môn học đạt từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8,0 trở lên. Riêng học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên cần thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên.
Theo cách tính này, học sinh có thể dùng các môn học có điểm số cao bù đắp cho các môn học có điểm số thấp để điểm trung bình môn cả kỳ học vẫn đạt mức Giỏi.
Quy định mới đã bỏ khái niệm học sinh Giỏi, học sinh Khá, học sinh Trung bình trong học bạ. Thay vào đó chỉ đánh giá kết quả học tập. Để được đánh giá mức Tốt, học sinh cần học đều các môn. Cụ thể, học sinh cần có tối thiểu 6 môn đạt từ 8,0.
Các môn học có điểm số cao không bù được cho các môn học có điểm số thấp với cách đánh giá này.
Thông tư 22 vẫn có danh hiệu "học sinh Xuất sắc" và "học sinh Giỏi". Song hai danh hiệu này không ghi trong học bạ mà được sử dụng để khen thưởng cuối năm học.
Hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen "học sinh Xuất sắc" cho học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học đạt mức Tốt, kết quả học tập cả năm học đạt mức Tốt và có ít nhất 6 môn học đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Danh hiệu "học sinh Giỏi" dành cho học sinh có kết quả rèn luyện cả năm đạt mức Tốt và kết quả học tập cả năm đạt mức Tốt.
Học sinh thi lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Ngoài ra, học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập hoặc có thành tích đặc biệt sẽ được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Cách đánh giá kết quả học tập của học sinh theo quy định mới được áp dụng từ năm học 2021-2022 với học sinh lớp 6, từ năm 2022-2023 với lớp 10. Năm học 2023-2024, các khối lớp áp dụng quy định đánh giá học sinh mới gồm: 6, 7, 8, 10, 11.
Như vậy, tới năm học 2024-2025, toàn bộ bậc THCS và THPT sẽ áp dụng cách đánh giá này.
Các trường đại học xét tuyển bằng học bạ căn cứ vào điểm số nào?
Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024 là kỳ tuyển sinh cuối cùng dành cho học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006. Do đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ vẫn dựa trên cách đánh giá học sinh theo quy định cũ.
Tuy nhiên, mỗi trường đại học sử dụng các căn cứ khác nhau để xét tuyển.
Trường Đại học Thương mại xét điểm trung bình cộng ba năm lớp 10, 11, 12 của từng môn học theo các tổ hợp môn xét tuyển.
Ví dụ, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ với tổ hợp khối A00 chỉ cần điểm trung bình môn của ba môn toán, vật lý, hóa học trong ba năm học. Điểm của các môn học khác hay điểm trung bình chung học tập cả năm không có ý nghĩa.
Tuy nhiên, Trường Đại học Ngoại thương lại xét điểm trung bình chung học tập của từng năm học.
Với học sinh có giải quốc gia, điều kiện học bạ là điểm trung bình chung học tập từng năm đạt từ 8,0 trở lên.
Với học sinh chỉ có giải học sinh giỏi tỉnh, ngoài điều kiện về điểm trung bình chung học tập, thí sinh cần có điểm trung bình chung của ba môn trong tổ hợp xét tuyển trong 5 học kỳ đạt từ 8,5 trở lên.
Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội trong lễ tốt nghiệp năm 2023 (Ảnh: FTU).
Với học sinh học hệ chuyên và không có giải học sinh giỏi, thí sinh cần đáp ứng cả hai điều kiện: điểm trung bình chung học tập từng năm đạt từ 8,0 trở lên và điểm trung bình chung của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển trong 5 học kỳ đạt từ 9,0 trở lên.
Điểm chung của các trường đại học là không xét tuyển học bạ dựa trên xếp loại mà chỉ căn cứ vào điểm trung bình học tập.
Do đó, kể từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, dù học bạ học sinh được đánh giá theo quy định mới, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT sẽ không có thay đổi đáng kể.
Yếu tố mới duy nhất là không còn điểm trung bình chung các môn học theo học kỳ hay theo năm. Thay vào đó, điểm trung bình của từng môn học sẽ là căn cứ để các trường xét tuyển.
Đáng lưu ý, cũng từ năm 2025, việc xét công nhận tốt nghiệp không chỉ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mà kết hợp với kết quả đánh giá học tập trong ba năm cấp 3 theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tỷ lệ này hiện chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Theo dantri.com.vn