Trải nghiệm, tham quan các di tích, bảo tàng: Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử

Thứ 2, 01.04.2024 | 14:40:23
1,238 lượt xem

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đổi mới dạy học lịch sử địa phương bằng cách gắn việc học lý thuyết với hoạt động trải nghiệm di tích, bảo tàng nhằm giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, đưa việc học môn Lịch sử trở nên hấp dẫn với học sinh.

Học sinh tham quan, học tập tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục lịch sử địa phương được đưa vào dạy học từ cấp tiểu học đến THPT. Ở Lạng Sơn hiện có hơn 400 trường phổ thông đang thực hiện giảng dạy các nội dung giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh. Trong đó, nhiều trường đã chú trọng lồng ghép dạy học lý thuyết ở trường với trải nghiệm thực tế ở di tích và các bảo tàng nhằm tạo cho học sinh niềm say mê với môn học. Đơn cử như ngày 1/3 vừa qua, hơn 50 cô trò Trường Tiểu học - THCS xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình đã tổ chức buổi ngoại khóa “Hành trình đến với địa chỉ đỏ”, tham quan tại Bảo tàng tỉnh. Trước đó, ngày 13/1, hơn 160 học sinh Trường Tiểu học xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng cũng đã đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh…

Không chỉ tại Bảo tàng tỉnh, tại các bảo tàng, nhà trưng bày trong tỉnh như Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng… nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ được các nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm đến tham quan. Cụ thể, trong học kỳ I năm học 2023 - 2024 vừa qua, thiết thực chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9), ngày 23/9/2023, Trường THPT Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn” tại Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn thu hút hơn 100 học sinh tham gia; tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, ngày 13/3/2024 có hơn 100 học sinh cùng các thầy cô giáo và phụ huynh của Trường Tiểu học xã Châu Sơn, huyện Đình Lập đến dâng hương, tham quan trải nghiệm và học tập về Lịch sử địa phương và một số điểm di tích như Luỹ Ải, Ải Chi Lăng, Núi Mã Yên, Lũy Ngõ Thề trong quần thể di tích lịch sử Chi Lăng…

Em Đinh Trọng Khoa, lớp 7A2, Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ năm học lớp 6, em đã được thầy cô cho đi học tập, trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng tỉnh, xem các hiện vật và nghe thuyết minh, giới thiệu về văn hóa, lịch sử của tỉnh Lạng Sơn. Khi vừa được xem, vừa được nghe như vậy đã giúp em dễ hình dung hơn về các giai đoạn lịch sử, qua đó em thêm hiểu và nhớ lâu hơn những kiến thức được học...

Từ lợi ích thiết thực đó, trong mỗi năm học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch, kết nối với các bảo tàng, nhà trưng bày, khu di tích lịch sử để đưa học sinh đến trải nghiệm, có những tiết học thực tế. Theo thống kê từ các đơn vị, trong năm 2023, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng đã đón tổng số hơn 20.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó hơn 80% là học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có hàng nghìn lượt học sinh được nhà trường tổ chức hành trình về nguồn, thăm các di tích khác như khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng), đồng chí Lương Văn Tri (huyện Văn Quan)…

Cô Bùi Thị Thanh Vân, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan cho biết: Ðể thu hút, tạo hứng thú cho học sinh đối với môn Lịch sử vốn được xem là môn học khô khan thì ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, hằng năm, tôi còn đề xuất với ban giám hiệu nhà trường tổ chức cho học sinh đi học tập, trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử. Thông qua các tiết học trải nghiệm thực tế đã giúp các em tiếp thu nhiều điều bổ ích, nâng cao tinh thần tập thể, nền nếp, kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh, có hiểu biết cơ bản về giá trị di tích, di sản văn hóa, rèn luyện nhiều kỹ năng...

Được biết, khi đến tham quan các bảo tàng, di tích, trong chương trình, học sinh các trường còn được tham gia lễ dâng hương ác anh hùng liệt sĩ và tìm hiểu về lịch sử địa phương tại các di tích khi đến thăm; tham gia lao động tình nguyện vệ sinh khuôn viên bảo tàng, di tích lịch sử. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng. Từ đó bồi đắp cho học sinh ý thức về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/trai-nghiem-tham-quan-cac-di-tich-bao-tang-gop-phan-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-mon-lich-su-5004185.html

  • Từ khóa