Sẵn sàng đón học sinh trở lại lớp

Thứ 2, 02.03.2020 | 14:39:54
600 lượt xem

Mặc dù Thủ tướng chưa có quyết định về thời gian đi học trở lại của học sinh, nhưng đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đã sẵn sàng các phương án phòng dịch, bảo đảm an toàn tối đa cho học sinh khi quay trở lại trường.

Nhiều trường học không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người.

Nhiều trường học không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người.

Nghệ An: 10 - 20 trẻ có 1 vòi rửa tay

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết, với kế hoạch năm học được điều chỉnh lùi lại 1 tháng, các địa phương sẽ chủ động tổ chức dạy học bảo đảm đáp ứng chương trình, không bị áp lực vì học bù. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện phun khử khuẩn phòng học, đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em, vệ sinh trường lớp... Trong tuần tới, trước khi đón học sinh trở lại, các trường sẽ khử khuẩn thêm một lần nữa.

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm điều kiện từ 10 - 20 trẻ phải có 1 vòi rửa tay, 1 khu vệ sinh sạch sẽ. Với cấp tiểu học đến THPT, địa phương đã chỉ đạo các trường lắp thêm hàng chục vòi nước rửa tay để bảo đảm tối đa 30 học sinh phải có một vòi rửa.

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng thành lập 6 đoàn kiểm tra việc thực hiện các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn trường lớp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Vĩnh Long: Chào cờ trong lớp học

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết sẽ tham mưu UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3, bảo đảm thực hiện chương trình phù hợp điều kiện của địa phương.

Trước và trong khi học sinh trở lại trường, sẽ tiếp tục thực hiện khử khuẩn trường lớp; chuẩn bị đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ học sinh và giáo viên, như nơi rửa tay, nước sạch, xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh...

Trong điều kiện dịch bệnh chưa chấm dứt, ngành Giáo dục Vĩnh Long chỉ đạo các nhà trường không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế; tổ chức chào cờ tại lớp thay cho tập trung toàn trường...

Quảng Nam: Lấy ý kiến phụ huynh về việc đi học lại từ ngày 2/3

Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có công văn “hỏa tốc” lấy ý kiến phụ huynh học sinh về thời điểm đi học trở lại. Lãnh đạo sở cho biết, để có sự đồng thuận trong phụ huynh và toàn xã hội nhằm tham mưu cho UBND tỉnh, Sở GD&ĐT yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các trường và giám đốc các trung tâm trực thuộc sở chỉ đạo lấy ý kiến của phụ huynh nhằm lắng nghe tâm tư từ phía phụ huynh. Qua đó, tạo sự đồng thuận giữa phụ huynh và các cơ quan chính quyền, sự yên tâm để phụ huynh cho con đến trường. Sở sẽ tổng hợp ý kiến của phụ huynh (đồng ý hay từ chối cho học sinh đi học trở lại) và ý kiến từ Sở Y tế rồi trình lên UBND tỉnh.

 Học sinh thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng


Hà Nội: Không chào cờ tập trung toàn trường

Các Sở: Y tế, GD&ĐT, LĐ,TB&XH Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại.

Một trong những hướng dẫn quan trọng đối với các đơn vị, trường học là không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa...; nhà trường không chào cờ tập trung toàn trường, chỉ tổ chức chào cờ tại lớp học, hạn chế hoạt động có sự tham gia của nhiều lớp; không sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng vật liệu chưa khử khuẩn (đồ chơi điện tử, đồ chơi thấm nước...).

Đối với các trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú cần tuân thủ việc thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm; không nên tổ chức ăn tập trung đông người, nên tổ chức ăn tại phòng học hoặc chia thành nhiều đợt.

Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không vào trong khu vực trường học. Đối với các phương tiện đưa, đón học sinh cần thực hiện khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe... sau mỗi chuyến đi bằng chất tẩy rửa thông thường hoặc chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính.

Nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào lớp học, trước và sau ăn, sau mỗi giờ ra chơi, sau khi đi vệ sinh và khi thấy tay bẩn; phối hợp với phụ huynh học sinh theo dõi sức khỏe của học sinh hằng ngày; khuyến khích học sinh, giáo viên đeo khẩu trang thông thường khi đến trường, khi tham gia giao thông, nơi tập trung đông người; bảo đảm cho các phòng học được thông thoáng, tăng cường thông gió tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế sử dụng điều hòa.

Không chỉ thực hiện hàng tuần như hiện nay, hướng dẫn liên ngành yêu cầu việc vệ sinh khử khuẩn trường, lớp học cần được thực hiện hằng ngày. Ngoài ra, các đơn vị, trường học cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ học sinh và giáo viên như nơi rửa tay, nước sạch và xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay; hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có nồng độ cồn tối thiểu 60%); bố trí thùng rác có nắp lật ở những nơi dễ tiếp cận, trong nhà vệ sinh, nơi rửa tay...

Để bảo đảm an toàn cho học sinh, các đơn vị, trường học cần lưu ý để dung dịch sát khuẩn trên giá, kệ và treo biển báo “Dung dịch sát khuẩn tay nhanh”, đồng thời có hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng. Ngoài ra, các đơn vị, trường học cần chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh để ở trong thang máy. Những trường có tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô, cần vệ sinh và khử khuẩn toàn bộ phía trong xe và ngoài xe, chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh gắn ở vị trí lên xuống xe.

Các đơn vị, trường học cần chuẩn bị khẩu trang y tế để sử dụng trong các trường hợp có học sinh, cán bộ, giáo viên, người lao động có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...) được phát hiện trong nhà trường.

Nhà trường cần bảo đảm đủ nước uống cho học sinh, mỗi học sinh nên có cốc uống nước riêng được vệ sinh hằng ngày... Nếu nhà trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh, phải bảo đảm mỗi học sinh có một khăn riêng và bảo đảm vệ sinh sạch sau mỗi ngày (hấp, sấy hoặc giặt sạch với xà phòng, phơi khô).

Một lưu ý quan trọng khác trước khi học sinh trở lại trường học là nhà trường cần khuyến khích các em sử dụng bình nước uống cá nhân; phụ huynh phối hợp với nhà trường theo dõi sức khoẻ, thân nhiệt của học sinh hằng ngày.

Nhà trường cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế để tăng cường sức khoẻ, như: Súc miệng, họng thường xuyên bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống sôi và bảo đảm chế độ ăn đủ dinh dưỡng; hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, không tiếp xúc với động vật hoang dã, hạn chế tiếp xúc với người có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...).

Nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thuộc đối tượng bị cách ly y tế tuân thủ tuyệt đối việc cách ly y tế theo đúng quy định. Đối với các trường hợp có ít nhất một trong các triệu chứng (ho hoặc sốt hoặc khó thở) thì chủ động báo cho nhà trường, đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và xử lý y tế khi cần.

 Thầy cô giáo, nhân viên nhà trường tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trong từng lớp học


Gia Lai: 100% trường học hoàn tất công tác làm vệ sinh

Đến thời điểm hiện tại đã có 827/827 trường học triển khai thực hiện công tác vệ sinh trường học; 681/827 trường học đã thực hiện phun hóa chất khử trùng, đạt trên 82% (trong đó, bậc mầm non có 263/263 trường học phun hóa chất, đạt 100%). Qua khảo sát có khoảng 80% phụ huynh đồng ý cho con em đi học trở lại vào tuần tới.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế chuẩn bị kỹ càng để có đề xuất cho học sinh đi học lại; xây dựng nội dung cụ thể về công tác phòng dịch khi tổ chức đi học lại ở các bậc học, làm đúng theo chỉ dẫn của ngành Y tế; chuẩn bị các điều kiện phòng dịch như nước sạch, xà phòng; trang bị kiến thức cho các thầy cô giáo chủ nhiệm về công tác phòng, chống dịch để quán triệt đến các em học sinh; thiết lập các đường dây liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh học sinh báo cáo kịp thời tình trạng sức khỏe học sinh.

Cũng cần tính toán lại đối với các lớp bán trú nên làm thế nào, nếu không an toàn thì chỉ nên tổ chức học một buổi. Bên cạnh đó, mỗi trường nên trang bị một máy soi thân nhiệt để kiểm tra thân nhiệt cho học sinh; phải có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trường học; tăng cường tuyên truyền phổ biến về phòng, chống dịch ngay trong khuôn viên trường học và trong từng lớp học; làm tốt công tác phòng, chống dịch bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi đi học trở lại.

TPHCM: Công đoàn giáo dục hỗ trợ giáo viên mua khẩu trang

Ông Nguyễn Mỹ Phi Phụng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM, cho biết để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch Covid-19, bảo đảm sức khỏe, an toàn vệ sinh cho giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM đề nghị các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với lãnh đạo đơn vị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như: Trang bị khẩu trang, nước rửa tay, thực hiện tiêu độc khử trùng nhà xưởng, vệ sinh môi trường nơi làm việc... để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài.

Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn đoàn viên và người lao động hiểu rõ và chủ động phòng, chống dịch. Ở những đơn vị trường học có sử dụng chuyên gia và người lao động nước ngoài đi từ vùng có dịch về cần giám sát việc kiểm tra sức khỏe, thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế và tuyên truyền để không gây hoang mang, lo lắng trong ngành.

Công đoàn cơ sở tiến hành đề xuất với lãnh đạo đơn vị hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí mua khẩu trang, nước rửa tay bảo đảm chất lượng cho nhà giáo, người lao động. Trường hợp gặp vấn đề gặp khó khăn về kinh phí để thực hiện nhiệm vụ trên thì công đoàn cơ sở cân đối nguồn tài chính hiện có để tiến hành mua khẩu trang, nước rửa tay hỗ trợ cho đội ngũ sư phạm. Trường hợp lãnh đạo đơn vị và công đoàn cơ sở không có khả năng thực hiện việc hỗ trợ chi phí thì công đoàn cơ sở làm tờ trình gởi về Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố để xem xét giải quyết và báo cáo cho Liên đoàn Lao động TPHCM.

Các trường học  chủ động và tích cực chuẩn bị đón học sinh

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, các cơ sở, trường học đều thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định, có những trường đã sáng tạo nhiều cách phòng dịch mới. Bên cạnh những công tác phòng dịch theo chuyên môn, các giáo viên Trường Mầm non 1 tháng 6 (P. Bình Hưng Hoà B, Q. Bình Tân, TPHCM) còn áp dụng thêm những bài thuốc dân gian để vệ sinh, khử khuẩn trong từng lớp học.

Do trường có đông con em công nhân ở các khu công nghiệp nên đợt dịch này trường còn tăng cường thêm các biện pháp khử khuẩn lớp học như như xông hơi phòng học, ngâm rượu gừng để rửa tay sát khuẩn. Những phương pháp này được áp dụng nhiều trong cuộc sống nên từ đó trường cũng áp dụng theo. Những loại thảo mộc dân gian này có sẵn, rất rẻ tiền và dễ thực hiện. Nguyên liệu xông gồm có sả, gừng, bồ kết để khử khuẩn cho không khí trong sạch.

Ngoài ra, các cô giáo còn gọt gừng ngâm rượu để làm nước rửa tay sát khuẩn cho giáo viên. Các cô cho biết, thay vì mua những loại nước rửa tay trôi nổi không bảo đảm chất lượng thì rượu gừng là một sản phẩm thay thế. Bởi trong rượu có cồn kèm theo gừng kết hợp gần giống như dung dịch sát khuẩn, giữ ấm cho cơ thể.

Thầy Nguyễn Thanh Thống, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Trí Đức (Q. Tân Phú), cho biết các trường sẽ tổng vệ sinh, xịt khử khuẩn lại toàn bộ phòng học khuôn viên trước khi đón học sinh. Với 1.750 học sinh, để sẵn sàng bắt đầu kỳ học trong thời gian dịch bệnh, trường đã tập huấn cho giáo viên kỹ các quy trình phòng dịch đến cách xử lý khi có trường hợp sốt.

Cũng đã hoàn thành các công tác trong quy trình phòng bệnh, Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TPHCM) cho biết đã thành lập một ban tình nguyện để đo thân nhiệt học sinh vào ngày đầu các em quay lại sau đợt nghỉ kéo dài. Trường cũng đã sắm 50 cái nhiệt kế điện tử, phát cho mỗi lớp một cái, giáo viên của lớp sẽ phối hợp với giám thị theo dõi sức khỏe các em thường xuyên. Trường đồng thời đề nghị phụ huynh trang bị khẩu trang cho học sinh, em nào quên thì sẽ được phát miễn phí.

An Chi/gdtd.vn

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/san-sang-don-hoc-sinh-tro-lai-lop-4068452-b.html


  • Từ khóa