Nhiều phụ huynh cho rằng, bỏ thi tuyển vào lớp 6 chưa chắc khiến áp lực cuộc đua vào trường chất lượng cao bớt áp lực và khi đó cơ hội gần như chỉ dành cho con nhà có điều kiện.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc có con sinh năm 2014, dự định thi vào Trường THCS chất lượng cao Thanh Xuân hơn một năm qua. Sau thông tư 30, công sức hơn một năm chuẩn bị của gia đình chị và con gái có thể sẽ trở nên vô nghĩa.
Theo chị Ngọc, con chị có khả năng cạnh tranh trong các cuộc thi tuyển nhưng sẽ thất bại nếu xét tuyển.
"Việc thi tuyển sẽ đánh giá thực chất năng lực học tập của học sinh. Trong khi việc xét tuyển có thể sẽ tạo cơ hội cho gian lận.
Nếu học bạ là một trong những tiêu chí xét tuyển, không ít phụ huynh sẽ "chạy điểm" cho con. Chính Bộ GD&ĐT muốn bỏ xét tuyển sớm vào đại học bằng học bạ vì cho rằng học bạ không thực chất, vậy tại sao Bộ nghĩ học bạ tiểu học sẽ đảm bảo hơn?
Nếu xét tuyển bằng các giải thưởng văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại ngữ…, lợi thế luôn thuộc về học sinh các trường công điểm, trường tư điểm, trường quốc tế.
Đó là nơi mà hoạt động phong trào, ngoại khóa mạnh. Đồng thời phụ huynh những trường này phần lớn có điều kiện cho con tham gia nhiều cuộc thi, đầu tư học năng khiếu, đầu tư học tiếng Anh.
Phụ huynh cho rằng việc thi tuyển sẽ đánh giá thực chất năng lực học tập của học sinh, trong khi việc xét tuyển sẽ tạo cơ hội cho gian lận (Ảnh: Mỹ Hà).
Học sinh "trường làng", học sinh không có điều kiện gần như không có cơ hội.
Như vợ chồng tôi đều làm công chức, lương tháng ở mức đủ ăn, không có tiền cho con học năng khiếu hay tham gia các sân chơi tiếng Anh, STEM. Ngoại trừ học bạ và các giải Violympic, Trạng nguyên tiếng Việt, hồ sơ của con tôi không có cửa để chạy đua vào lớp 6 chất lượng cao", chị Ngọc chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Thể (35 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự thất vọng khi đọc quy định bỏ thi lớp 6 kể từ năm 2025.
Với mục tiêu là 2 trường chất lượng cao gồm THCS Ngoại ngữ và THCS Nam Từ Liêm, anh đã học cùng con kể từ mùa hè lớp 3 sang lớp 4. Anh mua các sách toán nâng cao, mua tài liệu đề thi trên mạng để dạy con. Với tiếng Việt và tiếng Anh, anh Thể cho con học ôn tại các trung tâm uy tín.
Bởi phương thức tuyển sinh của hai trường này các năm trước là xét học bạ kết hợp thi đánh giá năng lực, anh không cho con thi bất kỳ cuộc thi qua mạng nào để con bớt áp lực thi cử, dành thời gian tập trung cho việc rèn luyện kiến thức, kĩ năng chắc chắn.
Do đó, việc Bộ quy định chỉ xét tuyển vào lớp 6 khiến con anh Thể khó có cơ hội khi chỉ có duy nhất một điều kiện học bạ.
Anh Thể tham gia một nhóm gần 1.000 thành viên là các phụ huynh có con sinh năm 2014 dự định thi lớp 6 chất lượng cao. Theo anh nói, 100% ý kiến trong nhóm phản đối việc bỏ thi tuyển lớp 6, bao gồm cả những phụ huynh đã "sưu tập giải thưởng" cho con.
Cô N.T.N.M, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, có chung nhận định. Theo cô M., lâu nay, học sinh trường công chủ yếu tham gia các cuộc thi văn hóa như Violympic, Trạng nguyên.
Chỉ một số rất ít học sinh thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL, KET, PET theo định hướng của gia đình.
Riêng lớp cô M., tuy là lớp tăng cường ngoại ngữ của trường, số học sinh đăng ký thi chứng chỉ KET mới đạt 11/45.
Trong khi đó, học sinh trường tư thi các chứng chỉ này rất phổ biến. Bên cạnh đó là các giải thưởng âm nhạc, hội họa, thể thao, tranh biện tiếng Anh…
"Nếu nói bỏ thi tuyển sẽ giảm áp lực cho học sinh thì không hoàn toàn đúng. Việc thi tuyển hay xét tuyển đều áp lực như nhau.
Bởi dùng hình thức nào đi chăng nữa thì số học sinh có nhu cầu vào trường chất lượng cao luôn vô cùng đông đảo và số học sinh trúng tuyển thì luôn ít ỏi. Có cạnh tranh là có áp lực.
Áp lực sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh chứ không hẳn là nằm ở phương thức tuyển sinh", cô M. nêu quan điểm.
Theo dantri.com.vn