Nghỉ học kéo dài phòng tránh dịch: Có thể tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học

Thứ 5, 12.03.2020 | 15:28:50
713 lượt xem

Dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học tạm thời để phòng tránh dịch. Trước bối cảnh này, nhiều chuyên gia đã đề xuất giải pháp dạy - học trong mùa dịch.

Để bảo đảm an toàn trường học trước đại dịch Covid-19 thì việc điều chỉnh thời gian năm học là cần thiết. Để bảo đảm an toàn trường học trước đại dịch Covid-19 thì việc điều chỉnh thời gian năm học là cần thiết.

Điều chỉnh cho phù hợp thực tế

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thời gian kết thúc năm học được quy định trước 30/6, nếu học sinh các cấp quay lại trường vào ngày 16/3, các cơ sở giáo dục vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình; các mốc quan trọng trong đó có Kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ là từ ngày 23 - 26/7.

Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn chi tiết những nội dung để các cơ sở giáo dục chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Theo đó, ngoài công việc liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, các trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục chi tiết, trên nguyên tắc tránh tập trung đông học sinh, mọi hoạt động trong phạm vi lớp, bố trí thời gian học, ra chơi lệch nhau giữa các lớp, cân đối để học sinh không bị áp lực, quá tải.

Trong trường hợp học sinh phải nghỉ kéo dài đến hết tháng 3, các mốc thời gian năm học mới có thể giữ được nhưng sẽ phải có một số điều chỉnh. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường sẽ phải tính toán để tiết kiệm thời gian, ưu tiên thời gian dành cho việc dạy học theo đúng chương trình, giảm bớt thời gian cho các sự vụ trong nhà trường.

Trường hợp bất khả kháng, việc nghỉ học phải kéo dài hơn, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định: An toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên được ưu tiên hàng đầu. Nếu tình huống này xảy ra, Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến phương án sẽ tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có thời điểm kết thúc năm học và thi THPT quốc gia. Theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình cho phù hợp, trong đó có thời gian tuyển sinh đầu cấp.

 Học trực tuyến trong kỳ nghỉ. Ảnh minh họa/ INT

Cắt bỏ hoạt động GD không cần thiết

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phân tích: Dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 1 - 2 ngày, thậm chí có thể kéo dài hơn nữa; trong khi các địa phương cũng không thể quyết định cho học sinh nghỉ học mãi được. Bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là sớm có được giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu của dịch bệnh. Giải pháp đó một mặt không yêu cầu nhà trường phải ngừng hoạt động nhưng mặt khác không đòi hỏi phải tập trung đông học sinh, sinh viên để tránh nguy cơ lây lan.

 Thiết nghĩ, chúng ta cũng có thể tổ chức được dạy học qua truyền hình bởi cơ sở hạ tầng truyền hình rất tốt, thậm chí còn tốt hơn các nước Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Ngay như Trung Quốc, họ quyết định đóng cửa trường học nhưng không nghỉ học mà tổ chức dạy học qua truyền hình. 

Tán thành với phương án dạy học từ xa, nhưng GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất: Cần có giải pháp bổ sung cho phương án này. Đó là, hình thành môi trường để học sinh có thể tương tác được trong lớp học online. Tiếp đó, kết hợp giữa dạy học từ xa với dạy học trực tiếp. Tức là, nếu chúng ta dạy học trực tuyến, việc học trên lớp sẽ bổ sung những gì mà lớp học online chưa thực hiện. Vì thế, giả sử học sinh nghỉ học 2 tháng khi đi học trở lại các em chỉ học bù 1 tháng, vì đã được học trực tuyến rồi.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: Dạy học từ xa (dạy học trên truyền hình hay trực tuyến) chỉ phù hợp ở một số trường học và một số địa phương. Do đó, nếu áp dụng đại trà sẽ không khả thi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo…

“Chúng ta không thể thay thế một lớp học truyền thống mà ở đó có thầy – trò tương tác trực tiếp với nhau. Vì thế, ở thời điểm này, vẫn cho học sinh nghỉ học tạm thời, chờ khi ổn định sẽ đón các em trở lại trường để học tập” - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ chia sẻ, đồng thời đề xuất: Các trường có thể cắt bỏ những hoạt động không cần thiết để tập trung vào dạy - học cho học sinh nhằm bảo đảm chất lượng và khung chương trình đã đề ra.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, trong trường hợp học sinh phải nghỉ học hết tháng 3, sang đến tháng 4 để phòng tránh dịch Covid-19 bắt buộc chúng ta phải điều chỉnh khung thời gian năm học, thậm chí nếu cần thiết có thể lùi Kỳ thi THPT quốc gia. Tất nhiên những điều chỉnh này ít nhiều có những tác động đến tâm lý xã hội nhưng người dân sẽ thông cảm vì đó hoàn toàn là do yếu tố khách quan, việc làm trên cũng vì sức khỏe và tính mạng của học sinh.

Chúng ta cần tính đến phương án lùi thời gian kết thúc năm học, hoặc điều chỉnh một số mốc thời gian trong năm học. Trong trường hợp cần thiết, bất khả kháng thì tổ chức dạy - học sang những tháng nghỉ hè, thậm chí kết thúc năm học này sẽ bắt đầu năm học mới luôn. - GS.TS Đinh Quang Báo 

N. Nhung - Sỹ Điền/gdtd.vn

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nghi-hoc-keo-dai-phong-tranh-dich-co-the-tiep-tuc-dieu-chinh-thoi-gian-nam-hoc-4070642-b.html


  • Từ khóa