"Chạy nước rút" lấy chứng chỉ tiếng Trung trước khi độ khó có thể tăng

Thứ 3, 01.04.2025 | 09:18:24
171 lượt xem

Trước thời điểm HSK (kỳ thi năng lực Hán ngữ) 3.0 dự kiến áp dụng trong năm 2025, nhiều thí sinh đang gấp rút ôn luyện để thi lấy chứng chỉ HSK 2.0.

Từ tháng 2, bộ đề thi HSK 3.0 (gồm 9 cấp độ) bắt đầu được thử nghiệm với những thay đổi đáng kể về cấu trúc và độ khó.

So với HSK 2.0 (gồm 6 cấp), phiên bản mới yêu cầu người học nắm vững số lượng từ vựng và ngữ pháp nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba lần ở một số cấp độ.

Theo ông Trần Anh Chung, Phó Giám đốc Hệ thống tiếng Trung CTI HSK Việt Nam, việc chuyển đổi từ HSK 2.0 sang HSK 3.0 dựa trên nền tảng của bộ tiêu chuẩn năng lực tiếng Trung Quốc mới, nhằm phản ánh chính xác hơn năng lực sử dụng tiếng Trung trong thực tế.

Nhiều bài viết trên các nền tảng mạng xã hội, người trẻ "hối" nhau thi lấy chứng chỉ trước khi áp dụng phiên bản HSK 3.0. (Ảnh minh họa: Tú Trinh).

Ông Chung cho biết, một trong những thay đổi đáng chú ý của HSK 3.0 là định dạng đề thi mang tính ứng dụng cao hơn. Chẳng hạn, ở cấp độ HSK 6, phần thi viết được chuyển từ dạng tóm tắt sang viết văn ứng dụng theo chủ đề, bao gồm các thể loại như thư tín, báo cáo… 

Sự điều chỉnh này giúp thí sinh rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Trung trong môi trường thực tế, phát triển toàn diện các kỹ năng, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho công việc và học tập. Dự kiến, HSK 3.0 sẽ triển khai trong giai đoạn nửa cuối năm 2025.

Trước thông tin trên, nhiều người học tiếng Trung không khỏi lo lắng và gấp rút ôn tập để thi HSK trước khi phiên bản mới được áp dụng. "Thay vì theo giáo trình chuẩn HSK, mình tập trung vào học từ vựng và luyện đề để kịp thi HSK 2.0 trước tháng 7 năm nay", bạn Thùy Trâm (Cao Bằng) cho biết.

Không chỉ riêng Trâm, nhiều bạn trẻ khác cũng chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi này, trong đó có bạn Ngô Nhâm (Nghệ An).

"HSK 3.0 không chỉ kiểm tra bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn bổ sung kỹ năng dịch thuật. Mong muốn xin học bổng du học Trung Quốc, mình quyết định thi lấy chứng chỉ trước khi HSK 3.0 được áp dụng để đảm bảo lộ trình cá nhân", Nhâm chia sẻ.

Trong HSK 2.0, cấp độ cao nhất chỉ yêu cầu khoảng 5.000 từ vựng. Nhưng với HSK 3.0, con số này có thể lên đến hơn 11.000 từ  (Ảnh: ThanhMaiHSK)

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc "chạy nước rút" thi HSK 2.0 trước thời điểm chuyển đổi, ông Trần Anh Chung nhận định: "Việc gấp rút thi HSK 2.0 không thực sự cần thiết, bởi sự chuyển đổi sang HSK 3.0 không gây ra quá nhiều khó khăn như nhiều người lo lắng".

Tuy nhiên, theo ông Chung, với các thí sinh ở trình độ sơ cấp (HSK 1-3), việc thi HSK 2.0 trước thời điểm chuyển đổi có thể là một lựa chọn hợp lý do lượng từ vựng trong HSK 3.0 sẽ tăng lên đáng kể so với hệ thống cũ. Dù vậy, nếu không kịp thi, người học vẫn hoàn toàn có thể thích ứng và đạt kết quả tốt với HSK 3.0 nếu có sự chuẩn bị phù hợp. 

Để thích ứng tốt với HSK 3.0, ông Chung cho rằng người học cần tập trung vào ba yếu tố chính: làm quen với cấu trúc đề thi mới; mở rộng từ vựng theo các chủ đề phổ biến; rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ thực tiễn như viết, nói, phân tích và xử lý thông tin - những năng lực được nhấn mạnh trong hệ thống HSK mới.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/chay-nuoc-rut-lay-chung-chi-tieng-trung-truoc-khi-do-kho-co-the-tang-20250331134956269.htm

  • Từ khóa