Trước khi uống iod phóng xạ, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn ít iod trong 2 tuần. Thường một đến 3 ngày sau khi uống iod phóng xạ, bệnh nhân sẽ không cần kiêng thực phẩm nào.
Iod phóng xạ có tác dụng gì trong ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến nhất trong các ung thư của hệ thống tuyến nội tiết. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp có xu hướng ngày càng gia tăng. Ung thư tuyến giáp biệt hóa gồm thể nhú, thể nang, hỗn hợp nhú và nang chiếm 80%. 20% còn lại là ung thư tuyến giáp không biệt hóa bao gồm thể tủy, thể thoái biến, ung thư tổ chức liên kết, lymphoma.
Theo ThS.BS Lê Quang Hiển, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, mô hình phối hợp đa phương thức gồm phẫu thuật + 131I (iod phóng xạ) + hormon liệu pháp hiện được áp dụng phổ biến và cho kết quả tốt. Trong đó phẫu thuật cắt giáp toàn phần và vét hạch là phương thức điều trị cơ bản, iod phóng xạ và hormon là phương thức điều trị bổ trợ.
Iod là một khoáng chất mà cơ thể sử dụng để tổng hợp ra hóc môn tuyến giáp. Tất cả i-ốt trong cơ thể đều đến từ chế độ ăn uống. Hầu hết iod trong chế độ ăn uống của chúng ta đến từ muối i-ốt và các sản phẩm khác được chế biến có bổ sung iod Chỉ một số loại thực phẩm (chẳng hạn như rong biển, sữa và một số loại cá) có chứa iod một cách tự nhiên.
Trước khi uống iod phóng xạ, bệnh nhân ăn uống như thế nào?
Tuân thủ chế độ ăn ít iod trước khi điều trị bằng iod phóng xạ có thể giúp liệu pháp đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu có quá nhiều iod trong cơ thể trong quá trình điều trị bằng iod phóng xạ, tuyến giáp của chúng ta có thể sử dụng iod đó thay vì iod phóng xạ. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của điều trị.
Vì thế, hầu hết bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chế độ ăn ít iod bắt đầu 2 tuần trước khi điều trị.
Sau đây là chế độ ăn ít iod khuyến cáo cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp trước khi điều trị bằng iod phóng xạ:
Cần tránh các thực phẩm sau đây:
- Muối iod.
- Các loại vitamin tổng hợp có chứa iod (nên đọc kỹ thành phần trước khi sử dụng).
- Sữa hoặc các sản phẩm từ sữa: kem, pho mát, sữa chua, bơ.
- Hải sản: cá, sushi, động vật có vỏ, tảo bẹ hoặc rong biển.
- Các loại bánh quy, bánh gato.
- Thuốc nhuộm thực phẩm FD&C # 3: chất này xuất hiện trong quả anh đào maraschino và đôi khi là chất màu nhân tạo hồng hoặc đỏ trong đồ uống.
- Lòng đỏ trứng, thức ăn có lòng đỏ trứng.
- Sôcôla sữa (do thành phần sữa).
- Các sản phẩm từ đậu nành (nước tương, sữa đậu nành, đậu phụ). Lưu ý, đậu nành không chứa iod. Tuy nhiên, ăn nhiều đậu nành đã được chứng minh là có thể cản trở sự hấp thu iod phóng xạ trong các nghiên cứu trên động vật.
Những thực phẩm có thể ăn trong thời kỳ kiêng iod:
- Muối không chứa iod.
- Lòng trắng trứng.
- Bánh mì (không có sữa, muối iod , bơ, lòng đỏ trứng…).
- Rau quả tươi hoặc đông lạnh.
- Ngũ cốc, các sản phẩm từ ngũ cốc (gạo, lúa mì..).
- Trái cây đóng hộp.
- Các loại hạt không ướp muối tự nhiên và bơ (lạc, hạt điều, hạnh nhân,...).
- Nước ngọt, bia, rượu, nước chanh, nước hoa quả.
- Cà phê hoặc trà nguyên chất (không sữa, kem).
- Bắp rang bơ với dầu thực vật hoặc không khí, với muối không iod.
- Hạt tiêu đen, các loại thảo mộc và gia vị tươi hoặc khô, tất cả các loại dầu thực vật.
- Đường, mứt, thạch, mật ong.
Một số khuyến cáo bổ sung:
- Hạn chế thức ăn của nhà hàng vì không có cách nào để xác định nhà hàng sử dụng muối iod hay không.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc có màu đỏ nào hoặc bất kỳ loại thuốc nào có chứa iod (Ví dụ như Amiodarone, thuốc long đờm, thuốc sát trùng tại chỗ).
- Tránh tất cả các thảo dược (đặc biệt là khi người ta không chắc chúng chứa bao nhiêu iod).
Sau uống iod phóng xạ, người bệnh cần lưu ý điều gì?
Theo Trung tâm Y tế, Đại học Washington (Mỹ), trong khoảng 2 tiếng trước và sau khi uống, bạn không nên ăn đồ rắn hay uống bất cứ loại nước gì trừ nước. Bạn có thể ăn sáng trước khi đến bệnh viện, song lưu ý là ăn sớm trước 2 tiếng trước giờ uống thuốc.
Người bệnh sau khi uống iod cần uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên, đi vệ sinh tại phòng vệ sinh riêng trong khu vực cách ly và xả nước nhiều lần, tránh để dây rớt ra quần áo, giày dép hoặc môi trường xung quanh.
Không khạc nhổ bừa bãi, khi bị nôn phải sử dụng túi đựng chất nôn và để vào nơi quy định tránh gây ô nhiễm phóng xạ cho môi trường.
Thông thường sau 1-3 ngày điều trị bằng iod phóng xạ, bệnh nhân có thể bắt đầu lại chế độ ăn iod như bình thường. Tuy nhiên, khoảng thời gian trên có thể thay đổi ở một số bệnh nhân.
Hà An/dantri.com.vn