Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, ngoài yếu tố môi trường và gen di truyền, việc xuất hiện ung thư liên quan rất nhiều đến chế độ ăn uống.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ngăn ngừa ung thư có thể bắt đầu từ chế độ ăn uống, lựa chọn thực phẩm tươi và học cách sử dụng "thực phẩm tốt" để giảm nguy cơ ung thư.
Dưới đây là 4 dưỡng chất chống ung thư hàng đầu có thể tìm thấy trong các món ăn hàng ngày:
Chất xơ: Giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng
Mặc dù không mang lại giá trị dinh dưỡng nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chất xơ có thể giúp cơ thể phòng ngừa ung thư hiệu quả. Khả năng này của chất xơ đến từ việc chúng có thể hấp thu các độc tố trong hệ tiêu hóa, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển hóa cholesterol và lipid. Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Bên cạnh đó, các loại chất xơ hòa tan còn là thức ăn cho các lợi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột. Với một hệ vi sinh khỏe mạnh, nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa sẽ được giảm một cách rõ rệt.
Nguồn thực phẩm:
- Ngũ cốc: yến mạch, gạo lứt, khoai lang…
- Rau: cải xanh, súp lơ, đậu bắp…
- Trái cây: táo, cam, ổi…
Vitamin A: Cải thiện sức khỏe niêm mạc
Vitamin A là chất chống oxy hóa mạnh mẽ và hoạt động như một hormone trong cơ thể.
Vitamin A được tìm thấy ở các dạng khác nhau. Vitamin A có sẵn trong thịt, cá và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, vitamin A được lưu trữ trong trái cây, rau quả và các sản phẩm từ thực vật khác.
Vitamin A có thể ngăn ngừa tổn thương mô do các gốc tự do, cải thiện sức khỏe niêm mạc, giúp ích cho việc phòng chống ung thư khoang miệng, thực quản, dạ dày, da, mũi, họng, phổi và các bệnh ung thư khác.
Nguồn thực phẩm:
- Các loại rau củ quả: khoai lang, bí đỏ, cà rốt, cà chua, rau chân vịt, cải xoăn…
- Các loại thịt: gan heo, lòng đỏ trứng gà, cá…
- Các loại trái cây: xoài, đu đủ, bưởi…
Vitamin C: Ngăn ngừa ung thư dạ dày và ung thư phổi
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, vitamin C là một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể con người không tự sản xuất được mà cần bổ sung từ thực phẩm. Vitamin C có nhiều trong các loại rau tươi và quả mọng, quả có múi.
Vitamin C có rất nhiều lợi ích đối với cơ thể con người, đặc biệt là với bệnh nhân ung thư.
Cụ thể, vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể trong và sau khi điều trị ung thư. Vitamin C giúp tăng cường sản xuất tế bào lympho và tế bào thực bào, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Vitamin C cũng giúp các tế bào này hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ chúng khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do.
Bên cạnh đó, những người thường ăn các sản phẩm thịt chế biến sẵn nên bổ sung đủ vitamin C để ngăn chặn sự kết hợp của nitrit và amin trong xúc xích, thịt nguội tạo thành nitrit, một chất gây ung thư. Vitamin C đặc biệt hữu ích trong việc ngăn ngừa ung thư dạ dày và ung thư phổi.
Nguồn thực phẩm:
-Các loại rau: ớt, mướp đắng, cải xanh…
- Trái cây: ổi, kiwi, cam, dâu tây, đu đủ…
Selen: Cải thiện khả năng miễn dịch và chống oxy hóa
Selen có thể cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng đối với các enzym oxy hóa khử (như glutathione peroxidase) trong cơ thể, để ngăn ngừa tổn thương tế bào và tăng khả năng chống oxy hóa, từ đó ngăn ngừa ung thư.
Bên cạnh đó, selen được chứng minh là có tác dụng giúp hồi phục ADN trong các tế bào bị tổn thương, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Nguồn thực phẩm:
- Đậu phụ, tôm, gà, cá tuyết, trứng, sò…
- Tỏi, rau mồng tơi, hành tây, nấm rơm…
- Các loại hạt: vừng, hạnh nhân, quả hạch…
Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu để ngăn ngừa ung thư là giữ một cơ thể khỏe mạnh. Ngoài việc ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính, nếu người béo phì có thể giảm cân, họ cũng có thể giảm nguy cơ ung thư. Ngoài ra, chế độ ăn uống nhẹ và uống nhiều nước, tập thể dục vừa phải, giải tỏa căng thẳng, và thường xuyên kiểm tra sức khỏe đều là những cách giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả
Minh Nhật/dantri.com.vn