Tăng thuế mạnh để thứ độc hại này không "đầu độc" người dân Việt

Thứ 6, 25.11.2022 | 09:30:25
829 lượt xem

Mỗi năm nước ta có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030 nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Chia sẻ tại hội thảo về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội mới đây, ThS Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại nước ta có giảm (từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% vào năm 2020), là điều đáng mừng tuy nhiên mức giảm không đáng kể so với mong muốn. Sau 5 năm, tỷ lệ này mới chỉ giảm 0,8%. 

Biện pháp được đánh giá là hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ là người sử dụng là thuế thuốc lá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công cụ này tại nước ta đang rất yếu. 

Thứ nhất là mức thuế thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Tăng thuế mạnh để thứ độc hại này không đầu độc người dân Việt - 1

Cụ thể, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8%. 

Con số này thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN. Ví dụ, tại Thái Lan là 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.

Thứ 2 là phương pháp tính thuế theo thuế tỷ lệ tính trên giá xuất xưởng có nhiều hạn chế, như tăng khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, khuyến khích sản xuất các mặt hàng thuốc lá giá rẻ, khó xác định giá thực của sản phẩm để tính thuế dẫn đến tạo kẽ hở cho việc chuyển giá của nhà sản xuất dẫn đến giảm thu ngân sách… 

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá các lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam trong những năm gần đây không đem lại tác động đáng kể đến giá và tỷ lệ sử dụng thuốc lá do mức tăng thuế thấp và thời gian tăng thuế kéo dài. 

Cụ thể, từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Lần thứ nhất vào năm 2008 với mức tăng thuế suất từ 55% lên 65%, lần 2 vào năm 2016 (sau 8 năm) với mức tăng từ 65% lên 70%. Lần thứ 3 là vào năm 2019 với mức tăng từ 70% lên 75%. Các lần tăng thuế này hầu hết chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó tiêu dùng lại tăng trở lại.

Vì vậy tác động của việc điều chỉnh thuế đến giảm tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá trong những năm vừa qua là không đáng kể.

Tăng thuế mạnh để thứ độc hại này không đầu độc người dân Việt - 2

Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá mạnh hơn nữa để giảm tiêu dùng (Ảnh minh họa: NDTV).

Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá mạnh hơn nữa

ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết Việt Nam thuộc nhóm có thuế thuốc lá thấp nhất, chỉ cao hơn Lào, Campuchia. Giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

"Thuế thuốc lá chưa đáp ứng được vai trò là công cụ để giảm tiêu thụ thuốc lá. Không ở đâu mua thuốc lá dễ như ở Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần có lộ trình để đảm bảo mức thuế đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá", ThS Hương nhấn mạnh. 

Chung quan điểm, Ths Đào Thế Sơn, Đại học Thương Mại (Hà Nội) cho biết thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất, có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020, chính sách thuế của Việt Nam mới tác động khoảng 20%. Điều đó cho thấy lực của chính sách thuế tại nước ta quá yếu, cần tăng cường thêm.

"Giá thuốc lá tại nước ta quá rẻ nếu so với thu nhập. Trong khi đó, lộ trình tăng thuế thuốc lá quá chậm, mức tăng thuế lại không đủ khi giá mỗi bao thuốc chỉ tăng 300-500 đồng, một con số quá nhỏ. Cũng vì tăng chậm lại quá nhiều nên tác động của chính sách thấp", ThS Sơn nói.

Ths Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam cũng cho biết tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước. 

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, WHO và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn. Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ. 

Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản). Mỗi năm Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030 nếu chúng không phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả. 


Nam Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-thue-manh-de-thu-doc-hai-nay-khong-dau-doc-nguoi-dan-viet-20221124202345473.htm

  • Từ khóa